Xây dựng mô hình sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy in vitro và trồng cây Ba kích tím (Morinda officinalis How) ở Trà Lĩnh, Cao Bằng
12:08 CH,08/01/2020

Hướng tới nguồn “dược liệu xanh” là xu thế của thế giới, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú và đa dạng với khoảng hơn 4000 loài. Với mục tiêu phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, ngày 30/10/2013, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1976/QĐ-TTG quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó, Ba kích tím là một trong 28 loài dược liệu bản địa có giá trị được chú trọng tập trung phát triển trồng ở quy mô lớn tại các tỉnh vùng núi, trung du miền núi Bắc Bộ với diện tích 4600 ha.

Ba kích tím là một loài dược liệu quý. Theo y học cổ truyền, rễ củ Ba kích tím có vị cay ngọt, tính ôn, có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau, hỗ trợ thần kinh. Do nhu cầu sử dụng dược liệu tăng mạnh trong thời gian gần đây nên cây Ba kích tím bị khai thác ồ ạt, dẫn đến nguồn nguyên liệu đang ngày một trở nên kiệt quệ. Mặt khác, vùng phân bố của Ba kích tím bị tàn phá nghiêm trọng khiến cho tính đa dạng nguồn gen của loài này đang bị suy giảm trầm trọng. Một số địa phương như: Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Nam... cũng đã xây dựng mô hình trồng Ba kích tím nhưng chủ yếu từ cây gieo hạt và cây giâm hom nên việc mở rộng mô hình trồng gặp nhiều khó khăn do không chủ động được nguồn giống. Năm 2013, Quảng Ninh mới bắt đầu triển khai mô hình trồng chuyên canh cây Ba kích tím bằng giống nuôi cấy mô thông qua dự án liên kết Sở Khoa học Công nghệ tỉnh và Viện Công nghệ Sinh học Viện Hàn Lâm Khoa học.

Sản xuất cây giống dược liệu nói riêng và cây lâm nghiệp nói chung bằng công nghệ nuôi cấy invitro đã được nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc; Ấn Độ; Nhật Bản áp dụng nhằm tạo ra nguồn cây giống có chất lượng đồng đều, sạch bệnh, số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu trên quy mô lớn. Để đáp ứng nhu cầu về giống cho kế hoạch phát triển vùng dược liệu ngành ở quy mô lớn thì giải pháp sản xuất giống bằng nuôi cấy in vitro là rất cần thiết.

Đứng trước nhu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu do ThS. Phan Xuân Bình Minh, Trung tâm Sinh học Thực nghiệm dẫn đầu đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy in vitro và trồng cây Ba kích tím (Morinda officinalis How) ở Trà Lĩnh, Cao Bằng” với các mục tiêu chủ yếu, bao gồm:

- Hoàn thiện 04 quy trình: quy trình xây dựng vườn giống gốc; quy trình nhân giống Ba kích tím bằng phương pháp nuôi cấy in vitro; quy trình đưa cây giống in vitro ra vườn ươm; quy trình trồng Ba kích tím từ cây giống nuôi cấy in vitro dưới tán rừng.

- Sản xuất 20-30 nghìn cây giống Ba kích tím đủ tiêu chuẩn xuất vườn bằng phương pháp nuôi cấy in vito một năm đáp ứng nhu cầu phát triển mô hình trồng Ba kích tím ở Việt Nam.

- Xây dựng mô hình trồng Ba kích tím invitro dưới tán rừng làm mô hình thí điểm để tuyên truyền cho bà con vùng núi và trung du phía bắc.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài của nhóm nghiên cứu đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như sau:

1. Từ các kết quả kế thừa của đề tài cấp bộ “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống hai loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển Ba kích tím (Morinda officinalis How) và Hoằng Đằng (Fibraurea tinctoria Lour.)” và những kết quả nghiên cứu mới của dự án đã hoàn thiện 04 quy trình: quy trình xây dựng vườn giống gốc; quy trình nhân giống Ba kích tím bằng phương pháp nuôi cấy in vitro; quy trình đưa cây giống in vitro ra vườn ươm và quy trình trồng Ba kích tím từ cây giống nuôi cấy in vitro dưới tán rừng.

2. Quy trình xây dựng vườn giống gốc: Đã xây dựng các tiêu chuẩn cho cây giống gốc là: Cây Ba kích tím (Morinda officinnalis How) thu tại Quảng Ninh đang trong giai đoạn phát triển tốt, ít sâu bệnh, có hoa hoặc quả, đường kính gốc 1,3- 1,9cm, có 8-15 cụm hoa hoặc quả, năng suất củ tươi đạt 1,6 -2,1 kg củ/cây, chất lượng củ đạt tiêu chuẩn theo DĐVN IV, hàm lượng các chất trong rễ củ đạt 4,72 % nytose, 6,64 ppm tectoquinon, 3,67 ppm rubiadin; Đã xây dựng được vườn giống gốc 300 cây trên diện tích 200m2 tại Trà Lĩnh Cao Bằng.

3. Quy trình nhân giống Ba kích tím bằng phương pháp nuôi cấy in vitro: Cải thiện môi trường nuôi cấy trong giai đoạn nhân nhanh bằng cách sử dụng môi trường lỏng lắc tốc độ 80 vòng/phút để đã gia tăng hệ số nhân chồi lên 1,4 lần so với môi trường bán rắn sử dụng trước đó và đã ổn định quy trình sản xuất với quy mô 20.000 cây/năm đạt tiêu chuẩn xuất bình.

4. Quy trình đưa cây giống in vitro ra vườn ươm: Để hoàn thiện quy trình đưa cây giống in vitro ra vườn ươm thì cây sau khi huấn luyện được trồng vào bầu nhỏ kích thước 9x15cm với công thức giá thể là 100% đất feralit đỏ vàng, sau 6 tháng chuyển sang bầu lớn kích thước 15 x 25 cm với công thức giá thể là 90% đất feralit đỏ vàng + 10% phân hữu cơ. Sau 12 tháng nuôi trồng đạt tỉ lệ sống 82,13%, cây phát triển tốt, cao 45-26 50cm, có 8-12 cặp lá. Quy trình được thực hiện trên quy mô vườn ươm 1000m2 với khoảng 15000 - 20.000 cây/năm (Đạt tiêu chuẩn vườn cấp II).

5. Quy trình trồng Ba kích tím từ cây giống nuôi cấy in vitro dưới tán rừng: Cây Ba kích tím (Morinda officinalis How) nuôi cấy in vitro trồng thử nghiệm tại Trà Lĩnh (Cao Bằng) sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống cao (tương ứng đạt 77,5% và 80,5%). Đánh giá sinh trưởng sau 4 năm trồng, cây phát triển ổn định tạo thành bụi lớn, đường kính gốc khoảng 2-2,9 cm, 100% số cây sống đều ra hoa, số lượng quả trung bình đạt 38-42 quả/cây, năng suất dược liệu Ba kích tím tươi đạt 2,9 kg/cây, năng suất dược liệu Ba kích tím khô đạt 1,17kg/cây sau 4 năm nuôi trồng. Chất lượng dược liệu đạt tiêu chuẩn DĐVN IV và có các hoạt chất đều có hàm lượng nytose 4,69%, và tectoquinon đạt 10,33ppm đạt yêu cầu, nhưng lại không phát hiện rubiadin trong mẫu này. Cần tiếp tục nghiên cứu sau 5 năm nuôi trồng. Hiện tại, mô hình trồng Ba kích tím dưới tán rừng hồi đã được mở rộng với quy mô 2ha.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15171/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn