Chỉ 20% nghiên cứu có tính mới được 'ươm mầm'
3:40 CH,25/10/2019

Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam thiếu môi trường chung để gặp gỡ và kết nối với các doanh nghiệp, giúp sản phẩm được đưa vào ứng dụng.

Chiều 8/10, hội thảo "Kết nối đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với khoa học và nghiên cứu" do Đại sứ quán Australia phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội. Tại đây các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu chia sẻ những khó khăn thách thức trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Là nghiên cứu sinh tại Đại học Hòa Bình, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, hiện nay ông đang cùng nhóm nghiên cứu thực hiện dự án ứng dụng công nghệ nano làm mặt lốp cao su có khả năng chịu mài mòn cao và khả năng sinh bụi thấp. Hoạt động nghiên cứu đã phải tạm dừng do không đủ kinh phí. Ông Trung mong muốn có thể gặp gỡ và kết nối với các doanh nghiệp và mạng lưới đổi mới sáng tạo, để hoàn thiện nghiên cứu của mình, đưa vào ứng dụng trên thị trường.

Đến từ Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam (SVF), bà Mandy Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, cho biết, trong quá trình hỗ trợ các dự án nghiên cứu khởi nghiệp tại Việt Nam, có tới 80% nghiên cứu được xây dựng từ một nền tảng có sẵn, chỉ có 20% nghiên cứu có tính mới được phát hiện và ươm mầm, đây chính yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Petr Adamek, giám đốc điều hành Mạng lưới Sáng tạo Đổi mới Canberra tại Australia chia sẻ, một nghiên cứu khoa học dù được triển khai ở đâu cũng không thể thoát khỏi quy tắc thị trường vì sản phẩm ứng dụng phải phù hợp với nhu cầu thị trường. Quá trình đi từ nghiên cứu đến sản phẩm ứng dụng là một chặng đường dài.

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam có đầy đủ yếu tố để tạo ra một hệ sinh thái mở từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp đến nhà khoa học. Tuy nhiên một môi trường chung giúp kết nối các yếu tố này với nhau, để doanh nghiệp có thể tìm đến các nghiên cứu khoa học dễ dàng hơn, giúp các nghiên cứu có khả năng thương mại được đến gần với thị trường, đang thiếu.

TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc hợp tác với mạng lưới Sáng tạo Đổi mới Canberra giúp ươm mầm những dự án nghiên cứu khoa học Việt Nam, giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài, đưa nhãn hiệu "made in Vietnam" vươn xa.

Trong dịp này có 3 dự án nghiên cứu chọn ra sẽ được Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Thịnh vượng chung (CSIRO) tài trợ với tổng số tiền lên tới 1,6 triệu đô la Australia.

Nguồn: Vnexpress

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn