Học sinh sáng tạo “Đồng hồ trái đất”
1:39 CH,09/10/2019

 “Đồng hồ trái đất” là ý tưởng sáng tạo của em Phạm Ngọc Đông Nghi, học sinh Trường tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Giải pháp này được trao giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng (Cuộc thi) tỉnh Tiền Giang lần thứ 12 (2018 - 2019).

“Đồng hồ trái đất” do em sáng tạo có cấu tạo gồm: quả địa cầu hành chính với 360 kinh tuyến (tương ứng với 3600) được bổ đôi theo đường xích đạo, bên trong lắp dây điện và đèn LED (đặt ở các vị trí trung tâm của quốc gia, vùng lãnh thổ), bên ngoài định vị 24 vĩ mạch (vĩ mạch 1) - tượng trưng cho 24 múi giờ (cũng là mạch điện để đấu vào các đèn LED); đáy quả địa cầu được thiết kế vĩ mạch 2 (bằng đồng thau) được cấp điện từ 6 cục pin tiểu (loại 2 volt), trong đó, cực dương đấu với kim chỉ hướng, cực âm đấu với vỏ quả địa cầu; kim chỉ hướng làm bằng dây đồng thau (đầu kim có đính những con hạc giấy rất xinh xắn), chân được hàn dính với vĩ mạch 2. Ngoài ra, trên chân đế của quả địa cầu còn được bố trí nhiệt kế, đồng hồ báo giờ, la bàn, đèn mặt trời, dụng cụ học tập… để phục vụ cho việc thao tác, vận hành giải pháp trên.

Muốn biết những quốc gia có cùng múi giờ, chỉ cần ấn đầu kim chỉ hướng vào vĩ mạch 1, hệ thống đèn LED được lắp tại trung tâm các quốc gia đó lập tức cháy sáng. Tương tự, với thao tác ấn đầu kim chỉ hướng vào vĩ mạch 1, ta có thể so sánh được sự chênh lệch giờ của một quốc gia này so với các quốc gia khác, vùng lãnh thổ khác trên quả đất. Giả sử Việt Nam đang là 7 giờ (giờ Hà Nội), các quốc gia có chung múi giờ với Việt Nam là Mông Cổ (Ulan Bator), Trung Quốc (Bắc Kinh), Malaysia (Java)… Do chênh lệch với Việt Nam 11 múi giờ nên giờ tương ứng của nước Mỹ (Washington) lúc đó là 18 giờ và khi ấn kim chỉ hướng vào múi giờ số 18, các quốc gia có chung múi giờ với Mỹ là Cuba (Lahabana), Colombia (Pogota), Peru (Lima)… sẽ được nhận ra thông qua tín hiệu cháy sáng từ các đèn LED.

Ngoài ra, “Đồng hồ trái đất” còn giúp xác định thời gian ngày và đêm tương ứng giữa các quốc gia. Để thực hành, ta xoay đế của “Đồng hồ trái đất” sao cho đỉnh quả địa cầu quay đúng hướng bắc (tương ứng với kim la bàn chỉ đúng hướng bắc), dùng đèn mặt trời soi từ hướng đông của quả đất (hướng mặt trời mọc), những quốc gia được đèn mặt trời chiếu sáng thuộc vùng ngày và những quốc gia nằm ở vùng khuất (vùng không được chiếu sáng) thuộc vùng đêm của quả địa cầu.

Nguồn: Báo Khoa học phổ thông
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn