Trí tuệ nhân tạo giúp giảm khí thải cacbon từ các đập thủy điện Amazon
4:09 CH,01/10/2019

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã phát triển được một mô hình tính toán dựa vào trí tuệ nhân tạo để xác định vị trí đặt các đập thủy điện nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Các đập thủy điện có thể cung cấp khối lượng lớn năng lượng mà chỉ thải cacbon ít như các nguồn khác như năng lượng gió và mặt trời. Nhưng do cách hình thành, nên một số đập phát thải khí nhà kính ở mức cao nguy hiểm, đe dọa các mục tiêu bền vững.

Nhờ có hàng trăm đập thủy điện hiện đang được đề xuất cho lưu vực sông Amazon - khu vực nhạy cảm sinh thái bao phủ hơn 1/3 diện tích Nam Mỹ, việc dự báo lượng khí nhà kính có thể rất quan trọng đối với khu vực và hành tinh. Nhóm nghiên cứu cho rằng để đạt được mục tiêu sản xuất thủy điện nhưng thải ít cacbon đòi hỏi phải quy hoạch xem xét toàn bộ lưu vực sông Amazon và ưu tiên các đập ở trên cao. Nhờ sử dụng mô hình, các nhà nghiên cứu có thể xác định sự kết hợp của các đập sẽ tạo ra lượng khí nhà kính thấp nhất cho mục tiêu sản lượng năng lượng nhất định.

Khi làm ngập các khu vực để xây đập, thì chất từ thực vật sẽ phân hủy sản sinh khí mêtan, loại khí nhà kính có sức tàn phá cao hơn CO2. Tùy thuộc vào vị trí và các yếu tố khác, khí thải cacbon từ việc xây dựng đập có thể thay đổi hơn hai bậc từ thấp nhất đến cao nhất.

Phân tích cho thấy các đập được xây ở trên cao có xu hướng giảm phát thải khí nhà kính trên một đơn vị sản lượng điện nhiều hơn các đập ở vùng thấp - một phần vì cần làm ngập ít đất trong môi trường dốc hơn.

Hiện có khoảng 150 đập thủy điện và 350 đập khác được đề xuất cho lưu vực sông Amazon, bao gồm một phần Braxin, Ecuador, Peru và Bolivia. Nghiên cứu này là một phần trong nỗ lực lớn nhằm sử dụng các công cụ tính toán để phân tích tác động của đập, giúp các chính phủ và tổ chức Nam Mỹ đưa ra quyết định sáng suốt nhằm cân bằng giữa lợi ích và bất lợi.

Nguồn: NASATI

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn