Vĩnh Phúc: Triển khai sản xuất giá thể mạ khay phục vụ sản xuất vụ mùa 2019
3:17 CH,07/06/2019

Những năm gần đây, do xu hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đã khiến lao động trong lĩnh vực này bị thiếu hụt, nhất là vào các mùa vụ. Giá nhân công tăng, chi phí lao động nông nghiệp cao; nông dân ngại làm nông nghiệp là thực tế ở nhiều địa phương. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ nông dân để cơ giới hóa từng khâu sản xuất và các khâu: làm đất, cấy lúa, gặt lúa đã cơ bản được cơ giới hóa giải phóng sức lao động cho nông dân. Song song với đó, công việc làm mạ, cấy lúa cũng đang được khuyến khích, mở rộng. Giá thể mạ khay giúp nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa, có thể áp dụng vào việc cơ giới hóa trong canh tác lúa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh.

                       

Tuy nhiên, một bất cập lớn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay tại Vĩnh Phúc là chưa có nguồn cung cấp giá thể mạ khay tại địa phương, các cơ sở sản xuất mạ tại địa phương hàng năm vẫn phải nhập số lượng lớn, giá thành cao tại một số tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình… từ đó cũng gây khó khăn cho việc thực hiện chủ chương cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2019, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc tiến hành triển khai nhiệm vụ nghiên cứu quy trình sản xuất giá thể mạ khay phục vụ cho việc gieo mạ cấy máy tại Vĩnh Phúc.

Để triển khai nhiệm vụ sản xuất giá thể mạ khay và cung cấp giá thể cho vụ mùa năm 2019, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc đã tiến hành khảo sát, thu thập mẫu đất, phân tích các chỉ tiêu: thành phần cơ giới, lý hóa tính của đất, lựa chọn nguồn đất phù hợp cho việc sản xuất giá thể gieo mạ.

Vừa qua, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN cùng chuyên gia Nguyễn Mạnh Hồng - người đầu tiên nghiên cứu quy trình sản xuất giá thể gieo mạ khay tại Việt Nam đã nghiên cứu 3 công thức phối trộn giá thể. Giá thể sau khi được phối trộn được đưa vào trong kho ủ, ủ bạt để tạo điều kiện cho các phản ứng sinh hóa trong khối giá thể xảy ra. Thời gian ủ giá thể kéo dài 15- 20 ngày. Trước khi đưa giá thể ra làm mạ phải phơi giá thể trên nền đất từ 12-15h để giá thể thoát hết chất độc trong quá trình ủ, sau đó mới đưa vào khay gieo giá thể.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm bước đầu cho thấy: cây mạ khi được gieo trên loại giá thể này cây mạ sinh trưởng phát triển đồng đều, tuổi mạ ngắn so với cách làm mạ dược và mạ sân truyền thống. Sau gieo 24h đã mọc mũi chông và chỉ 10- 15 ngày cây đã được 2,5 lá, rễ phát triển mạnh, đều, đạt tiêu chuẩn mạ cấy.

Giá thể mạ khay được sản xuất tại địa phương sẽ tạo ra một bước đột phá cho sản xuất mạ khay công nghiệp đáp ứng với việc hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.  Nghiên cứu và hoàn thiện được quy trình sản xuất giá thể sẽ tạo điều kiện cho nười nông dân Vĩnh Phúc đẩy mạnh được cơ giới hóa vào sản xuất, giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí giá thành rẻ và chi phí giảm so với việc phải nhập giá thể từ các tỉnh khác.

Nguồn: Sở KH&CN Vĩnh Phúc


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn