Bến Tre: Nghiên cứu giải pháp xây dựng thương hiệu làm công cụ Marketing các sản phẩm chủ lực và du lịch
3:01 CH,20/02/2019

Đề tài “Nghiên cứu giải pháp xây dựng thương hiệu làm công cụ marketing các sản phẩm chủ lực và du lịch tỉnh Bến Tre” do ThS Lê Quốc Hùng - Công ty TNHH Tin học Thương mại công nghệ và tư vấn ICT thực hiện trong thời gian 12 tháng vừa được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu.

 

Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá được hiện trạng, chỉ rõ cơ hội và thách thức đối với các sản phẩm của tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực trong du lịch của tỉnh; Xác định được điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế so sánh trong lĩnh vực du lịch và sản xuất sản phẩm xuất khẩu; Đề xuất được kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu mang ý nghĩa thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh và xu thế của thị trường.

Kết quả đề tài đạt mục tiêu, nội dung đề ra. Đã khảo sát xã hội học; Xây dựng danh mục các sản phẩm và dịch vụ có tiềm năng để xây dựng thương hiệu. Qua khảo sát cho thấy, hiện tại chưa có trang website bằng các ngôn ngữ nước ngoài dành riêng cho du lịch Bến Tre. Mặc dù Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại cây trái sum xuê, sông nước hữu tình đặc biệt có truyền thống lịch sử, văn hóa gắn liền với truyền thống cách mạng của tỉnh như: quê hương Đồng Khởi, dáng đứng Bến Tre… bên cạnh đó hai sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre và Bưởi Da Xanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN công nhận là chỉ dẫn địa lý của tỉnh. Một số sản phẩm cây trồng của Bến Tre đã được cấp chứng nhận là nhãn hiệu tập thể như măng cụt và chôm chôm Chợ Lách, cây giống và hoa kiểng Cái Mơn,…

Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm thực hiện đưa ra một số kiến nghị thực hiện trong thời gian tới như:

Bến Tre cần quảng bá kỹ thuật, cách chăm sóc cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh nhằm quảng bá tính tự nhiên của từng loại sản phẩm (bưởi, dừa, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò, tôm biển).

Xây dựng mô hình trang trại, miệt vườn kết hợp du lịch nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, hải sản của tỉnh, cùng với đó kết hợp với bán và giới thiệu sản phẩm của tỉnh với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Thông qua phương tiện số hóa và điện tử, phát triển các loại hình quảng bá quốc tế như thiết kế các clip, các đoạn phim quảng cáo về các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tổ chức hội chợ, triển lãm giới thiệu các sản phẩm của tỉnh.

Kết hợp nhịp nhàng giữa nhà nước và tư nhân trong chính sách mở cửa thị trường, kêu gọi tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật, phân phối, sản xuất và bán sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về thu mua sản phẩm nông sản nhằm đưa sản phẩm Bến Tre đến với người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Việc nghiên cứu thành công đề tài không chỉ xây dựng thương hiệu làm công cụ marketing các sản phẩm chủ lực và du lịch tỉnh Bến Tre mà còn góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để hoàn thiện, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh đề nghị nhóm thực hiện chỉnh sửa một số lỗi kỹ thuật trình bày văn bản, bổ sung thêm danh sách các sản phẩm địa phương ngoài các sản phẩm chủ lực của tỉnh, báo cáo cần xác định sản phẩm xuất khẩu và du lịch; các giải pháp chính sách thương hiệu,… Bên cạnh đó cần nêu điểm khác biệt giữa du lịch Bến Tre so với các địa phương khác nhằm phát huy hơn nữa lợi thế của tỉnh để thu hút khách tham quan đến Bến Tre nhiều hơn.

Nguồn: Sở KH&CN Bến Tre


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn