Bình Phước: Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi toàn đực để nuôi thương phẩm
10:35 SA,06/11/2018

Vừa qua, Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp tư vấn tuyển chọn thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi toàn đực và đánh giá khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cá rô phi nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

 

Đề tài này được xét duyệt trên cơ sở đặt hàng của tỉnh và do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước tham gia thực hiện nghiên cứu.

Theo ông Hà Anh Dũng, Tỉnh ủy viên, Quyền Giám đốc Sở KH&CN Bình Phước, dù không có nhiều ưu thế để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, nhưng với lợi thế có nhiều diện tích mặt nước nằm rải rác ở các khu vực hạ lưu hồ chứa thủy điện, thủy lợi, ao nuôi hộ gia đình. Với nhiệt độ ổn định và nguồn nước sạch quanh năm, đây là tiềm năng phát triển nguồn cung cấp giống thủy sản cho tỉnh và khu vực.

Theo báo cáo của ban chủ nhiệm đề tài, năm 2017, tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt 6.250 tấn, trong đó cá rô phi trên địa bàn tỉnh chiếm gần 50%. Tuy nhiên, cá rô phi mới chỉ dừng ở hình thức nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh với loại hình nuôi ghép các đối tượng trong ao và mặt nước lớn. Hiện nay, có khoảng 70% người nuôi cá có nhu cầu sử dụng giống cá rô phi đực nhưng trên địa bàn tỉnh chưa sản xuất được cá rô phi đơn tính đực. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài nhằm sản xuất giống rô phi toàn đực để khắc phục những nhược điểm về sinh sản, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả của nghề nuôi, cũng như đánh giá khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế nuôi thương phẩm cá rô phi trên địa bàn tỉnh Bình Phước để làm cơ sở nhân rộng.

Theo TS Nguyễn Tường Anh, hiện nay, biện pháp biến đổi gen cá rô phi đơn tính đực được thực hiện trong khoản thời gian từ khi là phôi cho đến khi cá được 14 ngày tuổi. Trong khoảng thời gian đó, từ khi cá nở, cá biết ăn và đến khi tách mẹ, các kỹ thuật viên phải quan sát, theo dõi kỹ sàng lọc kích cỡ cùng ngày tuổi để có chế độ trộn thức ăn chính xác, vì vậy rất tốn thời gian và rất vất vả. Từ đó, trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có sẵn ông đã đề xuất ra phương pháp và đưa ra 3 yếu tố để hình thành cá rô phi đơn tính đực gồm, Gen Admt1; môi trường, những yếu tố di truyền - có thể tác động bằng hormone Admt1. Ở điều kiện nhiệt độ ổn định từ 28 -29oC thì chỉ cần 2 giờ đồng hồ trong bất kỳ lúc nào  trong khoảng thời gian 14 ngày nêu trên đều cho kết quả đạt từ 80 - 95%. Tỷ lệ này có thể nâng lên nhưng không nhiều. Với phương pháp đề xuất vừa rút ngắn thời gian, vừa có thể nhân rộng sản xuất để cung ứng giống cho các tỉnh khu vực miền Bắc.

Theo chủ nhiệm đề tài - KS Nguyễn Thị Hồng Nhung, sau khi đề cương được Hội đồng xét chọn, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành khảo sát tình hình nuôi cá rô phi trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra đề xuất áp dụng quy trình công nghệ ngâm hormone MT để sản xuất thử nghiệm đàn cá rô phi giống toàn đực. Đồng thời đánh giá khả năng phát triển giống cá này; thực hiện mô hình nuôi thương phẩm trong ao đất.

Kết luận buổi họp xét chọn, ông Hà Anh Dũng đề nghị sửa lại tên của đơn vị chủ trì - Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Ông Dũng cũng khuyến cáo với đơn vị chủ trì nên mời nhà khoa học có chuyên môn sâu trong lĩnh vực thủy sản tham gia thành viên ban chủ nhiệm đề tài. Đồng quan điểm với ý kiến của một số thành viên dự họp thì đây là đề tài không có tính mới mà chỉ áp dụng quy trình kỹ thuật sẵn có để sản xuất tạo ra giống mới và có thể phát triển phù hợp với điều kiện tỉnh Bình Phước. Ông Dũng yêu cầu làm rõ khả năng phát triển chăn nuôi cá rô phi như thế nào, khi nghiệm thu bàn giao phải đúng sản phẩm đặt hàng.

Sau khi xem xét, các nhà khoa học, thành viên trong Hội đồng KH&CN tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu thống nhất chọn Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước thực hiện đề tài với số điểm 80,17/100 điểm.

Nguồn: Sở KH&CN Bình Phước



Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn