Kiên Giang: Xây dựng mô hình sản xuất rau cần nước tại huyện Tân Hiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP
10:54 SA,22/10/2018

Rau cần nước là một trong những loại rau dân dã phổ biến ở trên thế giới cũng như Việt Nam. Rau có các đặc tính ăn ngon, bổ dưỡng cung cấp chủ yếu khoáng chất, vitamin cho cơ thể con người, còn có khả năng chữa được nhiều bệnh nên rất được ưa chuộng.

                    

Rau cần nước là thực phẩm xanh trong bữa ăn hàng ngày của hàng triệu người dân. Ngày nay, nhu cầu của con người ngày càng cao, từ quan điểm: “ăn no mặc ấm” đã chuyên dần sang “ăn ngon mặc đẹp”, con người đã biết chú trọng nhiều đến sức khỏe, những sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ rất khó tiếp cận đến người người dân, họ đã quen dần với những sản phẩm sạch (đã được kiểm nghiệm, rõ nguồn gốc) trong các siêu thị. Trong thời gian qua, tại ấp kênh 3A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp các hộ sản xuất rau cần (khoảng 40 hộ với tổng diện tích 9 ha) chỉ theo kinh nghiệm truyền thống, thiếu kỹ thuật canh tác đồng bộ, sử dụng nhiều phân hóa học, phun nhiều hóa chất BVTV và không đảm bảo thời gian cách ly. Vì thế năng suất rau cần nước chưa ổn định, không kiểm soát được dư lượng thuốc BVTV, dư lượng nitrate trên rau cần nước, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Từ thực tế trên, đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau cần nước (Oenanthe javanica Blume) tại huyện Tân Hiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP” được triển khai nghiên cứu nhằm cung cấp nguồn rau xanh an toàn, góp phần tăng thu nhập cho người dân và xây dựng nhãn hiệu rau cần nước của huyện Tân Hiệp.

Trên tinh thần đó, Hội đồng KH&CN tỉnh Kiên Giang thống nhất chọn Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang chủ trì thực hiện đề tài và ThS Phạm Thị Thu Trang làm chủ nhiệm. Sau thời gian nghiên cứu, mới đây, tại Phòng họp Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang đã diễn ra cuộc họp Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu đề tài nêu trên.

Mục tiêu và nội dung chính của đề tài là: Xây dựng mô hình sản xuất rau cần nước (Oenanthe javanica Blume) tại huyện Tân Hiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm xây dựng nhãn hiệu rau cần nước, cung cấp nguồn rau xanh an toàn, tăng thu nhập góp phần phát triển bền vững huyện nông thôn mới Tân Hiệp nói riêng và kinh tế - xã hội tỉnh nói chung.

Kết quả nghiên cứu của đề tài:
- Đã điều tra hiện trạng canh tác rau cần nước tại ấp kênh 3A, Tân Hiệp A, Tân Hiệp, Kiên Giang;
- Đã thành lập 1 tổ hợp tác trồng rau cần kênh 3A với 9 thành viên, xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất gồm 6 kho chứa, 6 điểm pha thuốc BVTV, 6 hố rác nông nghiệp, 6 hệ thống ao lắng và 1 nhà sơ chế rau cần với đầy đủ trang thiết bị: máy sục ozon, bể lọc nước… đảm bảo sản phẩm rau thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP;
- Đã xây dựng mô hình với với diện tích sản xuất là 2 ha rau cần nước đạt tiêu chuẩn VietGAP với năng suất đạt được là 25 tấn/ha/vụ;
- Đã xây dựng nhãn hàng hóa cho thương hiệu Rau cần nước Tân Hiệp, Kiên Giang được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn.

Tại buổi họp các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả đạt được, và sự nỗ lực cố gắng của nhóm thực hiện đề tài. Thay mặt Hội đồng, TS Nguyễn Xuân Niệm kết luận: Đề tài đã triển khai đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng được mục tiêu đề ra.Tuy nhiên để báo cáo hoàn thiện hơn, chủ nhiệm đề tài cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung như: Hình thức: Bổ sung đầy đủ các từ viết tắt trong báo cáo vào danh mục các từ viết tắt và sắp xếp theo ABC; bổ sung thời gian và địa điểm tạo bảng và hình. Tổng quan tài liệu: Bố cục lại phần tổng quan theo các mục tiêu nghiên cứu của đề tài, lược bỏ những nội dung trùng lắp, bổ sung Tình hình KT-XH và tự nhiên của tỉnh Kiên Giang, đặc biệt nói về huyện Tân Hiệp; bổ sung bản đồ địa lý vùng nghiên cứu. Phương pháp và phương tiện nghiên cứu: Phần phương pháp, bổ sung (i) Phương pháp ủ phân hữu cơ (Lưu ý: cách thức kiểm tra nhiệt độ); (ii) Phương pháp quản lý dịch hại theo IPM; (iii) Quy trình đăng ký nhãn hiệu tập thể. Trong từng phương pháp cần trình bày chi tiết cách thức thực hiện. Đối với phương tiện, cần bổ sung các trang thiết bị bình phun thuốc BVTV; hệ thống bể lọc nước; máy sục ozon; bồn lắng lọc;… Kết luận và kiến nghị: Làm rõ thời vụ trồng rau cần nước, bổ sung thông tin và thời gian thu hoạch và số lần thu hoạch/một lần trồng; bổ sung tên khoa học của sâu ăn tạp có trên rau cần;  bổ sung sơ đồ vị trí trách nhiệm từng cá nhân trong Tổ hợp tác trồng rau cần nước Tân Hiệp; trình bày rõ phương pháp chọn lấy cây làm giống; loại bỏ biện pháp trộn thuốc Metarhizium anisopliae với thuốc họ cúc trong xử lý sâu hại vì thuốc họ cúc không còn cho phép sử dụng trên rau;...

Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu và thống nhất cho nghiệm thu đề tài với kết quả A (Xuất sắc).

Nguồn: Sở KH&CN Kiên Giang

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn