Đột phá trong sản xuất nhiên liệu ethanol sinh học làm giảm nhu cầu về nước ngọt
4:01 CH,19/10/2018

Trong cuộc chiến chống nóng lên toàn cầu, ethanol sinh học được xem là nhiên liệu thay xăng dầu thân thiện với khí hậu và nhiên liệu này được chính phủ nhiều nước khuyến khích sử dụng. Nhưng hoạt động sản xuất nhiên liệu cần sử dụng khối lượng lớn nước ngọt, nguồn tài nguyên quý giá ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Huddersfield đã chứng minh có thể thay thế bằng hệ thống sử dụng nước biển.

                                 

Nghiên cứu mô tả chủng nấm men ở biển có thể được sử dụng cùng với nước biển và chất nền như molat cho quá trình lên men sản xuất ethanol sinh học. Các phương pháp hiện nay tiêu thụ hơn 1.000 lít nước ngọt mới tạo ra được 1 lít nhiên liệu.

Nghiên cứu này là bước đầu tiên hướng tới giảm mạnh tình trạng sử dụng nhiều nước trong ngành công nghiệp sản xuất ethanol sinh học, TS Chenyu Du, đồng tác giả nghiên cứu nói.

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh "nước biển có thể thay thế nước ngọt trong sản xuất ethanol sinh học mà không gây ảnh hưởng đến hiệu suất" và "nấm men biển là ứng cử viên tiềm năng được sử dụng trong ngành công nghiệp ethanol sinh học, đặc biệt là khi sử dụng nước biển hoặc môi trường lên men có hàm lượng muối cao".

Báo cáo nghiên cứu mô tả quá trình tìm kiếm nấm men biển phù hợp nhất với quy trình sản xuất ethanol sinh học. Kết quả cho thấy một chủng nấm men biển mới có tên Saccharomyces cerevisiae AZ65 mang lại hiệu quả cao nhất.

TS Du cho rằng: Mục đích chính của quá trình lên men nước biển là đưa vào sử dụng nguồn nước và sinh khối thay thế cho công nghệ sinh học công nghiệp để giảm áp lực sử dụng nước ngọt và đất canh tác, cho phép dành các nguồn tài nguyên này để sản xuất thực phẩm và thức ăn gia súc và giảm chi phí sản xuất.

Theo TS Du, bước tiếp theo là triển khai sử dụng một chất ở biển như rong biển để thay thế cho các nguyên liệu như ngô hoặc cây mía trong quá trình tinh luyện sinh học. Như vậy có thể sản xuất ethanol sinh học hoàn toàn từ môi trường biển. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Current Opinion in Green and Sustainable Chemistry.

Nguồn: Nasati

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn