Enzim nhân tạo có khả năng chuyển đổi năng lượng mặt trời thành khí hydro
3:19 CH,17/10/2018

Trong một bài báo mới được công bố trên Tạp chí Energy and Environmental Science, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Uppsala, Thụy Điển đã giới thiệu một phương pháp hoàn toàn mới cho phép tổng hợp enzim nhân tạo có khả năng thực hiện chức năng chuyển hóa tế bào sống. Những enzim này có khả năng sử dụng năng lượng của tế bào để tạo ra khí hydro từ năng lượng mặt trời. Giảng viên cao cấp Gustav Berggren và GS Peter Lindblad là hai người đứng đầu nghiên cứu này.

  Theo các nhà nghiên cứu, khí hydro từ lâu đã được ghi nhận là một nguồn năng lượng cơ bản đầy hứa hẹn với vai trò “chuyên chở” năng lượng (energy carrier) và có thể trở thành một nguồn năng lượng tái tạo xanh và vô hạn. Tuy nhiên, quá trình sản xuất khí này vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch. Khí hydro tái tạo có thể được chiết xuất bằng kỹ thuật tách nước thành khí oxy và khí hydro ở thực vật, nhưng những hệ thống này vẫn còn bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã mô tả cách thức các enzim nhân tạo chuyển đổi năng lượng mặt trời thành khí hydro. Phương pháp hoàn toàn mới được phát triển tại trường Đại học trong vài năm qua, dựa trên sử dụng các vi khuẩn quang hợp với các enzim được chèn đoạn gen, kết hợp với các hợp chất tổng hợp được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu đã kết hợp công nghệ sinh học tổng hợp với hóa học tổng hợp để thiết kế và tạo ra enzim nhân tạo tùy chỉnh bên trong cơ thể các sinh vật sống.
Hiện tại, phương pháp mới của chúng tôi có thể được áp dụng để sản xuất các enzim sử dụng năng lượng riêng của tế bào để tạo ra khí hydro, TS Adam Wegelius, Khoa Hóa học - Phòng thí nghiệm Ångström, Đại học Uppsala cho biết.
Chúng tôi đã phát triển và tinh chế một công cụ có chức năng thu thập ánh sáng mặt trời thông qua quá trình quang hợp. Và bằng cách đưa enzim nhân tạo vào vi khuẩn quang hợp, chúng ta có thể trực tiếp hưởng lợi từ quá trình hiệu quả này, cụ thể là tạo ra khí hydro từ năng lượng mặt trời. Công trình mới cũng cho phép chúng tôi vượt qua các giải pháp quang hợp tự nhiên, trong việc phát triển các enzim nhân tạo, Berggren cho biết.
Nguồn: Vista


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn