Khánh Hòa: Giới thiệu về giống mía mới và kỹ thuật canh tác giống mía mới
5:40 CH,14/09/2018

Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Khánh Hòa đã phối hợp với ThS Lê Thị Thường - Viện Nghiên cứu Mía đường tổ chức 2 buổi hội thảo tập huấn “Giới thiệu về giống mía mới và kỹ thuật canh tác giống mía mới tại Khánh Hòa” tại thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh. Tham dự Hội thảo có đông đảo đại biểu, học viên đa số là nông dân trồng mía ở địa phương.

 

Hội thảo đã giới thiệu đến học viên 4 giống mía triển vọng (Khonkaen 3, KPS01-25, VN09-108 và VN08-99), có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu khá tốt với sâu bệnh hại và điều kiện khô hạn của các vùng trồng mía trong tỉnh Khánh Hòa.  Đây là kết quả được nghiên cứu từ 6/2014 đến 12/2016 và qua theo dõi, đánh giá ở các bước khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất của đề tài khoa học “Nghiên cứu tuyển chọn giống mía mới chịu hạn ở tỉnh Khánh Hòa”.

Mỗi 1 giống mía đều có các ưu và nhược điểm khác nhau, khi trồng điều cần thiết và quan trọng nhất là nắm được đặc diểm của chúng để điều chỉnh cho phù hợp mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất. Thông qua Hội thảo ThS Lê Thị Thường đã đưa ra một số chú ý dành cho các học viên như sau:

Cần tiếp cận, bổ sung giống mía mới có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu cao vào sản xuất. Nhưng không được phát triển tự phát.

Khi trồng giống mía mới phải tìm hiểu về ưu nhược điểm của giống, từ đó có các biện pháp canh tác mía phù hợp (thời gian trồng, khoảng cách hàng, mật độ trồng, chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, thời gian thu hoạch, chăm sóc mía gốc).

Sử dụng hom giống tốt, đạt tiêu chuẩn, để tăng cường sức sống của cây, duy trì đặc tính di truyền của giống, kéo dài thời gian sản xuất của giống mía sản xuất.

Nên thay đổi giống trồng sau khi kết thúc chu kỳ mía nếu đất trồng mía liên tục (không trồng cùng 1 giống trên 1 ruộng mà nên thay đổi khi hết chu kỳ mía), nên luân canh cải tạo đất.

Để có năng suất cao thì phải đảm bảo được mật cây tối ưu trên đơn vị diện tích, cần phát triển hài hòa giữa mật độ cây và khối lượng cây.

Tập tạo thói quen ghi chép để tính toán hiệu quả của sản xuất và những vấn đề tình huống gặp phải để rút kinh nghiệm.

Cần quan tâm chú ý đến việc phát triển bền vững, ưu tiên bón phân hữu cơ để cải tạo đất, đây là giãi pháp tốt cho vùng đất kém dinh dưỡng và khô hạn của tỉnh Khánh Hòa.

Nguồn: Sở KH&CN Khánh Hòa

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn