Thực hiện chủ trương xóa lò gạch thủ công: Không quyết liệt, không đạt kết quả
9:57 SA,20/07/2012

Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 29-6-2010 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường kiểm tra rà soát tình hình sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công trên địa bàn TP ban hành đã lâu. Sau hai năm thực hiện, các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên… vẫn "bùng nhùng" trong xử lý. Cùng một chủ trương nhưng nơi làm quyết liệt, nơi buông lỏng.
      Là một trong những địa phương có nhiều điểm "nóng" với gần nghìn lò gạch thủ công hoạt động, nhưng đến nay, toàn bộ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Mê Linh đã được xử lý triệt để. Tại xã Hoàng Kim (Mê Linh) cho có hơn 600 ha đất bãi dọc bờ sông Hồng, trong đó có trên 100 ha các hộ dân chuyển sang sản xuất gạch thủ công, lúc cao điểm có tới 112 lò. Sau khi tiếp nhận chủ trương của TP, được UBND huyện sát sao chỉ đạo, UBND xã đã kiên quyết xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công, bảo đảm đúng tiến độ, an toàn. Việc xóa lò gạch thủ công đã dôi ra một quỹ đất nông nghiệp lớn, lên tới hơn 100 ha. Từ cuối năm 2011, UBND xã Hoàng Kim đã chia lại toàn bộ số đất đó cho các hộ làm lò gạch trước đây để phát triển chăn nuôi, sản xuất rau an toàn.
      Trái với những kết quả đạt được ở một số huyện, nhiều địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm lò gạch thủ công. Kết quả kiểm tra trong tháng 5 năm 2012 của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, một số huyện không thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò sản xuất gạch thủ công theo quy định của Bộ Xây dựng và chỉ đạo của UBND TP, còn tồn tại nhiều lò gạch thủ công. Nhiều huyện báo cáo còn mang tính hình thức, số liệu thiếu chính xác và chưa đầy đủ; chưa thực hiện kiên quyết, triệt để mặc dù đã ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai…
      Huyện Ứng Hòa đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu các chủ lò gạch tự tháo dỡ, san lấp lại mặt bằng từ tháng 6/2011. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện vẫn còn 58 lò sản xuất gạch thủ công trong đó vẫn còn 14 lò chưa thanh lý xong hợp đồng đấu thầu. Huyện đã xây dựng kế hoạch cuối tháng 7 này sẽ tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm; thành lập đoàn kiểm tra của UBND huyện; hoàn tất thủ tục, hồ sơ cưỡng chế đối với các trường hợp tiếp tục vi phạm, không tự tháo dỡ. Đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành cơ bản trong quý III/2012.
      Xóa bỏ lò gạch thủ công là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tuy nhiên, để hạn chế tình trạng khan hiếm gạch nung, ổn định thị trường vật liệu xây dựng ở khu vực nông thôn, TP cần xem xét đối với những trường hợp đã chuyển đổi công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm các tiêu chí về môi trường. Đối với những huyện chưa có nhà máy gạch tuy nen, TP nên cho một số chủ lò có điều kiện tài chính, phù hợp quy hoạch của địa phương và có nguồn nguyên liệu tại chỗ được chuyển đổi công nghệ mới đạt tiêu chuẩn quy định.
     Việc xóa bỏ lò gạch thủ công tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cho thấy nơi nào có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền đều đạt được kết quả đáng ghi nhận. Ngược lại, những nơi cấp ủy, chính quyền chưa tích cực vào cuộc, vấn đề lò gạch thủ công vẫn tiếp tục "nóng".

Nguồn: "HNM online", 16/7/2012


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn