Tìm kiếm các chất hóa học có hoạt tính từ động vật thân mềm
3:28 CH,23/07/2018

ThS. Phan Thị Thanh Hương, Viện Hóa sinh biển vừa thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoạt tính gây độc tế bào, kháng vi sinh vật kiểm định và tìm kiếm các chất hóa học có hoạt tính từ 10 loài động vật thân mềm ở khu vực Cát Bà", hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc.

Đề tài đã công bố 3 bài báo, trong đó có 1 bài trên tạp chí thuộc danh mục SCI, 1 bài thuộc danh mục SCIE và 01 trên tạp chí trong nước.

Theo ThS. Phan Thị Thanh Hương, động vật thân mềm là một trong những ngành động vật đem lại lợi ích kinh tế cao và nhiều tiềm năng khai thác. Các sinh vật biển chiếm gần 80% số sinh vật trên thế giới và là nguồn gốc của các sản phẩm thiên nhiên độc đáo phục vụ đời sống con người như thực phẩm, nước hoa, bột màu, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh…

Đến nay có khoảng 10.000 hợp chất có hoạt tính sinh học nguồn gốc động vật biển như Bọt biển, San hô mềm, động vật Da gai, Sên biển và các sinh vật biển khác đã được công bố. Trong đó, ngành Thân mềm có nhiều chủng loại rất đa dạng, phong phú chiếm khoảng 23% tổng số các sinh vật biển đã được đặt tên. Trong các khu vực nhiệt đới, bao gồm Việt Nam, ngành này có hơn 90 nghìn loài hiện hữu, trong đó có các loài như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc...

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu động vật Thân mềm được tiến hành sâu rộng từ thế kỉ XX, nhất là sau khi Viện Hải dương học Nha Trang được thành lập (năm 1922). Tuy nhiên những nghiên cứu sâu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của các loài này ở trong nước là chưa thực sự đáng kể.

Đề tài do nhóm nghiên cứu của ThS. Phan Thị Thanh Hương đã tiến hành thu thập và xác định được tên khoa học của 13 mẫu động vật thân mềm tại khu vực quần đảo Cát Bà, Hải. Bên cạnh đó, đã sàng lọc hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định (trên 8 chủng vi sinh vật) và hoạt tính gây độc tế bào (trên các dòng tế bào MCF7, HepG2, Lu, F1) các mẫu dịch chiết của các mẫu động vật thân mềm thu thập được. Các kết quả này là cơ sở để  lựa chọn các đối tượng thân mềm tiến hành nghiên cứu hóa học.

Bên cạnh đó, bằng các phương pháp sắc ký kết hợp, đề tài đã phân lập thành công 16 hợp chất sạch từ 3 mẫu động vật thân mềm  Anadara (Tegillarca) granosa (Linne', 1758), Doriprismatica atromarginata (Cuvier, 1804), Monodonta labio (Linnaeus, 1758). Trong đó có 2 hợp chất mới được phân lập từ loài ốc đá Monodonta labio (Linnaeus, 1758) được đặt tên là monodontins A và monodontins B.

Nhóm nghiên cứu cũng đã đánh giá hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định (VSVKĐ) và hoạt tính gây độc tế bào đối với các hợp chất sạch phân lập được. Kết quả cho thấy các hợp chất SEN8, SEN9, SH12 kháng được 2 chủng VSVKĐ, các chất SH03, SH04, SH06, SH08, SH13 kháng được 1 chủng VSVKĐ. Hợp chất SEN8 có mức hoạt tính tốt với giá trị IC50< 20 µg/ml trên cả hai dòng tế bào MCF7 và HepG2.

Nguồn: KHPTO

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn