Rễ cây cối xay là bộ phận có hoạt tính sinh học cao
3:26 CH,23/07/2018

Nhóm nghiên cứu Vũ Thị Bạch Phượng, Hoàng Thị Thanh Minh, Phạm Thị Ánh Hồng, Quách Ngô Diễm Phương, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM đã khảo sát hoạt tính sinh học và nghiên cứu cảm ứng tạo rễ tơ cây cối xay Abutilon indicum (L.)

Cối xay là cây dược liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc điều trị các bệnh như sốt rét, hạ đường huyết và giang mai… Nhận thấy giá trị dược liệu của cây cối xay, nghiên cứu này tập trung vào việc khảo sát hoạt tính sinh học và chủ động tạo nguồn nguyên liệu ổn định có hoạt tính cao.

Kết quả cho thấy khả năng kháng oxy hóa của rễ và thân cao hơn lá khi thực hiện phương pháp Yen và Duh. Mức độ gây độc tế bào của cao chiết ethanol rễ lên ấu trùng Artemia salina có giá trị LC50 37,04 µg/mL. Hoạt tính ức chế α-glucosidase và acetylcholinesterase của rễ cây cối xay cao hơn so với thân và lá. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã cảm ứng tạo rễ tơ cây cối xay thành công thông qua sự chuyển gene của vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes ATCC 15834. Phần trăm cảm ứng tạo rễ tơ và số rễ tơ được tạo ra từ mẫu lá là cao nhất (86,66 % và 8,66 rễ). Kiểm tra sự chuyển gene rễ tơ bằng phương pháp PCR cho thấy gen rolB và rolC đã sát nhập vào bộ gene của cây cối xay.

Kết quả nghiên cứu này chứng minh rễ cây cối xay là bộ phận có hoạt tính sinh học cao và cho thấy tiềm năng của việc sản xuất rễ tơ nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu sử dụng trong y dược.

Nguồn: KHPTO

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn