TP.HCM: Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp
11:25 SA,20/07/2018

TP.HCM chú trọng ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể UBND TP.HCM ban hành Quyết định 257/QĐ-UBND ngày 19/1/2017 đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thành phố giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Theo đó, ngành nông nghiệp thành phố đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong khâu sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực của thành phố, góp phần chuyển dịch nông nghiệp đô thị.

Trong lĩnh vực trồng trọt (rau an toàn, hoa, cây kiểng), đến năm 2020 có trên 95% diện tích sản xuất rau, hoa, cây kiểng ứng dụng cơ giới hóa khâu làm đất, 50% diện tích sản xuất rau, hoa cây kiểng trong nhà màn, nhà lưới áp dụng cơ giới hóa khâu trộn giá thể, đóng bịch, ứng dụng máy gieo hạt.

Đến năm 2020 có trên 95% diện tích sản xuất rau an toàn, hoa, cây kiểng ứng dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc, trong đó 50% sử dụng hệ thống tưới ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, phân phối dinh dưỡng (đến năm 2025 là 70% diện tích ứng dụng tưới tự động).

Đầu tư các nhà sơ chế rau tại các vùng sản xuất rau tập trung, hợp tác xã. Có trên 95% sản phẩm tại các vùng sản xuất tập trung, hợp tác xã sử dụng bao đóng gói, ghi nhãn và ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc.

Đầu tư nâng cấp phương tiện vận chuyển nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm rau an toàn thành phố.

Lĩnh vực chăn nuôi (bò sữa, bò thịt, heo), đến năm 2020 có 50 - 60% doanh nghiệp, hộ nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi, cơ giới hóa trong khâu vắt sữa bò 90%, chế biến thức ăn cho bò 40 - 50%, cơ giới hóa chuồng trại chăn nuôi 70%, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đàn, quản lý giống.

Đối với nuôi heo, đến năm 2020 ứng dụng chuồng lạnh 30%, chuồng sàn là 60%.

Đối với đàn bò thịt, đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn, 50% số hộ sử dụng máy băm, trộn thức ăn, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đàn và giống theo các chương trình tiên tiến.

Sử dụng máy móc vệ sinh chuồng trại, máy thu gom phân, nâng cao tỷ lệ sử dụng hầm biogas, ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi lên 70% trong số hộ chăn nuôi.

Lĩnh vực thủy sản, đến năm 2020, trên 90% đầm nuôi tôm ứng dụng cơ giới hóa đào ao, cung cấp nước. 50% đầm nuôi sử dụng quạt nước, hệ thống sục oxy, sử dụng lót bạt đáy và vệ sinh đáy đầm nuôi ở các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh. 50% đầm nuôi thâm canh sử dụng sàn cho ăn tự động, 70% đầm nuôi sử dụng quan trắc môi trường.

Với nhuyễn thể, 50% diện tích sử dụng máy xới đất cải tạo nền nuôi, máy thu hoạch.

Lĩnh vực nuôi cá kiểng, đến 2020 trên 60% hồ nuôi sử dụng hệ thống lọc sinh học, quan trắc môi trường nuôi và hệ thống phun nước làm mát hồ nuôi.

Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị.

Thông qua các mô hình trình diễn về cơ giới hóa, Trung tâm khuyến nông đã chuyển giao cho nông dân máy xới đất, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới phun sương... Các mô hình đã chứng minh các ưu điểm về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế từ cơ giới hóa. Từ đó làm cơ sở khuyến cáo áp dụng, nhân rộng mô hình, góp phần cải tiến kỹ thuật canh tác nông nghiệp tại địa bàn thành phố theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa.

Nguồn: KHPTO

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn