Nghiên cứu chọn tạo giống ớt cay lai F1 phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho các tỉnh phía Bắc
10:10 SA,20/07/2018

Diện tích trồng ớt ở nước ta năm 2013 là 25.360 ha, tăng 1.114 ha so với năm 2010. Bình quân tăng diện tích hàng năm trong 10 năm trở lại đây là 4,5%. Sản lượng đạt cao nhất năm 2013 là 330.982 tấn. Diện tích ớt tăng do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng. Ớt cay là 1 trong 10 mặt hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu lớn, đưa tổng giá trị xuất khẩu của ngành năm 2015 vượt 2,2 tỷ USD. Tuy có mức tăng trưởng liên tục, song hiệu quả sản xuất ớt mang lại cho người nông dân không cao. Một trong những lý do chính là thiếu bộ giống tốt. Tại các vùng sản xuất ớt cho tiêu dùng trong nước, người dân sử dụng giống địa phương tự để giống.

Dù có khả năng thích ứng cao và chịu sâu bệnh tốt nhưng các giống này có thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp, độ đồng đều kém. Các giống lai nhập nội trồng cho xuất khẩu tuy có tiềm năng năng suất và độ đồng đều cao nhưng bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh và giá thành hạt giống lại cao, hơn nữa không chủ động trong kế hoạch sản xuất. Việc tạo giống ớt cay lai khắc phục những tồn tại của 2 nhóm giống trên là yêu cầu bức thiết của sản xuất hiện nay và những năm tới.

Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống ớt cay lai F1 phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho các tỉnh phía Bắc” giai đoạn 2011- 2015 do nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu rau quả do ThS. Đặng Hiệp Hòa làm chủ nhiệm thực hiện. Đề tài nhằm chọn tạo một số giống ớt cay lai F1, có năng suất cao (tương đương giống nhập nội), chất lượng tốt, chống chịu ít nhất một bệnh hại chính, phù hợp cho ăn tươi, chế biến xuất khẩu cho các tỉnh phía Bắc.

Kết quả xây dựng mô hình trình diễn giống mới chọn tạo:

- Xây dựng mô hình thâm canh giống ớt mới chọn tạo

Mô hình trình diễn giống ớt lai GL1-1 được triển khai tại 3 điểm đại diện cho 3 vùng sinh thái của các tỉnh phía Bắc. Tổng diện tích GL1-1 triển khai là 3,8 ha. Tại các điểm khảo nghiệm giống GL1-1 có ưu điểm năng suất cao, chống chịu bệnh thối quả sinh lý, mẫu mã quả đẹp, được người sản xuất và thương lái chấp nhận. Hội nghị đầu bờ tham quan giới thiệu giống được tổ chức vào vụ thu đông 2012 tại Tân Liên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng có đại diện của các ban nghành tham dự, giống được đánh giá cao tại hội nghị. Hạn chế của giống là màu quả trước khi chín có màu xanh vàng nên không đáp ứng được yêu cầu cho thu mua quả xanh.

- Xây dựng mô hình sản xuất hạt lai giống ớt mới chọn tạo

* Địa điểm và qui mô xây dựng mô hình sản xuất hạt lai giống ớt lai mới chọn tạo: Vật liệu: 3 giống ớt mới chọn tạo GL1-1, GL1-10 VÀ GL1-6; Địa điểm: Khu nhà lưới Viện nghiên cứu Rau quả; Quy mô: 1000 m2/giống

Kết quả tại các mô hình trình diễn sản xuất hạt lai cho thấy cả 3 giống ớt lai mới tạo ra đều có tiềm năng cho năng suất hạt cao: Giống GL1-1: do dòng mẹ có khối lượng quả lớn nhất nên số quả lai trên cây đạt được ít nhất (13,7 quả/cây), năng suất hạt đạt 173,5 tạ/ha; giống GL1-10: năng suất hạt lai đạt 188,5 kg/ha; giống GL1-6: đây là giống ớt lai chỉ thiên có khối lượng quả nhỏ nên rất dễ đậu quả, số quả lai trên cây là 44,5 quả và năng suất hạt cao nhất 202,4 kg/ha.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13578) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn