Thiết lập quy trình đo liều bệnh nhân trong chẩn đoán CT
10:02 SA,20/07/2018

Các chẩn đoán y tế sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính (CT) ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế. Để đánh giá các rủi ro liên quan đến sức khỏe người bệnh do bức xạ ion hóa trong các chẩn đoán sử dụng máy CT gây ra và tối ưu hóa quá trình chẩn đoán thì việc đánh giá liều bệnh nhân cần phải được thực hiện. Nhiệm vụ này đã xây dựng quy trình đánh giá liều bệnh nhân trong chẩn đoán CT. Phẩm chất bức xạ chuẩn dùng để hiệu chuẩn thiết bị đo liều trong CT theo tài liệu hướng dẫn IAEA TRS 457 cũng đã được thiết lập. Các kết quả HVL xác định được sai lệch không quá 2% so với các giá trị chuẩn. Nhiệm vụ cũng đã tiến hành xây dựng quy trình hiệu chuẩn đối với buồng ion hóa đo liều trong CT và tiến hành đánh giá liều bệnh nhân trong chẩn đoán CT dựa trên mô hình phantom chuẩn và so sánh với các giá trị ước tính của máy CT. Độ lệch giữa kết quả đánh giá được và giá trị ước tính của máy CT nhỏ hơn 17.2 %.

Máy chụp CT tạo ra liều bức xạ nhiều hơn so với chụp X-quang thông thường từ 50 đến 200 lần, khi chụp cắt lớp vi tính dải liều bệnh nhân phải nhận từ 10-1000mGy, đây là liều khá cao tuy chúng thấp hơn ngưỡng liều gây ra hiệu ứng tất nhiên (2Gy) nhưng diễn ra trong thời gian ngắn nên sẽ làm tăng xác suất xảy ra các hiệu ứng ngẫu nhiên và nguy hiểm nhất là gây ra các bệnh ung thư. Một nghiên cứu của đại học Columbia cảnh báo rằng sự gia tăng đáng kể chỉ định CT trong chẩn đoán và sàng lọc phát hiện sớm bệnh có thể gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe cộng đồng. Hiệp hội X-quang Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng sự gia tăng sử dụng chụp CT và các loại máy chụp cắt lớp khác làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến bức xạ. Ở nước ta, các máy chụp cắt lớp vi tính đang được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên việc thiết lập chuẩn, hiệu chuẩn và đánh giá liều bệnh nhân mới chỉ được thực hiện đối với X-quang thông thường còn đối với các chẩn đoán CT những công việc trên chưa được triển khai, thực hiện. Để đáp ứng nhu cầu đầy đủ trong lĩnh vực chuẩn và đo liều lượng bức xạ cho bệnh nhân trong y tế cần phải thiết lập quy trình đo liều bệnh nhân trong chẩn đoán sử dụng các máy chụp cắt lớp vi tính (CT).

Cơ quan chủ trì Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Bùi Đức Kỳ cùng thực hiện với mục tiêu Thiết lập phẩm chất chùm bức xạ tia X trong chuỗi RQT dùng để hiệu chuẩn các thiết bị đo liều dùng trong CT chẩn đoán và thiết lập quy trình đo liều bệnh nhân trong CT chẩn đoán.

Trong thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu lại được những kết quả như sau:

- Thiết lập được phẩm chất chùm tia X trong chuỗi RQT dùng để hiệu chuẩn thiết bị đo liều trong CT.

- Xây dựng quy trình hiệu chuẩn và hiệu chuẩn thiết bị đo liều trong CT (buồng ion hóa dài 10 cm đo liều CT)

- Xây dựng quy trình đo liều bệnh nhân trong CT và thực hành đánh giá liều bệnh nhân tại cơ sở y tế sử dụng các phantom chuẩn mô phỏng bệnh nhân. Kết quả CVOL thu được sai lệch từ 10 đến 17% so với giá trị hiển thị của máy CT. Tuy nhiên, do giới hạn về thời gian và điều kiện thí nghiệm thực tế trên máy CT nên kết quả thu được còn hạn chế.

Quy trình đo liều bệnh nhân đã xây dựng có thể được sử dụng tại các cơ sở y tế sử dụng thiết bị máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) để đánh giá liều bệnh nhân nhằm mục đích tối ưu quá trình chẩn đoán và cũng đóng vai trò như một bước trong quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng thiết bị CT.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của công nghệ chẩn đoán hình ảnh sử dụng các máy CT thế hệ mới (hiện đại nhất hiện nay là CT 320 dãy đầu dò với bề dày lát cắt lên tới 16 cm) quy trình đo liều bệnh nhân gặp một số điểm bất cập do trang thiết bị hiện có chưa đáp ứng được (Buồng ion hóa CT hiện có là loại buồng ion hóa dài 10 cm và phantom cũng chỉ có bề dày 14 cm trong khi bề dày lát cắt lên tới 16 cm). Do vậy, quy trình sẽ cần thêm các thực nghiệm trên các hệ máy CT này cũng như nhiều các hệ máy đo liều CT khác nhau để hoàn thiện hơn.

Trên thế giới hiện nay phương pháp đo liều bệnh nhân trong chẩn đoán CT đã phát triển một thiết bị mới gọi là “CT dose profile” đây là một detector có kích thước vùng nhạy nhỏ vào khoản 250μ và được goi như detector dạng điểm. Với kích thước nhỏ như vậy thì detector gần như không bị ảnh hưởng bởi bề rộng của lát cắt thích hợp với việc đo trên mọi loại máy CT. Trong thời gian tới hướng mở rộng của đề tài sẽ tập trung tìm hiều về phương pháp mới này đồng thời đề xuất mua thiết bị trên phục vụ công tác nghiên cứu.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13749/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: NASATI

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn