Nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam
4:39 CH,19/07/2018

Kiểm kê khí nhà kính (KNK) ở cấp quốc gia là một trong những điều kiện để hướng tới nền kinh tế các bon thấp của quốc gia đó trên cơ sở tính toán đường phát thải cơ sở và kịch bản phát thải KNK theo các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề hoàn thiện sắp xếp thể chế, luật pháp, các thủ tục cần thiết cho một hệ thống kiểm kê KNK quốc gia, Việt Nam cần tổ chức xây dựng sớm văn bản pháp lý quy định rõ vai trò chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức tham gia vào công tác kiểm kê KNK quốc gia; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia trong hệ thống kiểm kê, đặc biệt là quy trình thu thập số liệu hoạt động (SLHĐ) phục vụ kiểm kê KNK của các Bộ ngành. Vấn đề này được coi là một trong những hoạt động tiền đề, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác kiểm kê KNK, mở đường cho việc hoàn thiện cấu trúc về cơ cấu tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL).

Một hạn chế khác của hoạt động kiểm kê KNK là tình trạng thông tin, SLHĐ cho kiểm kê quốc gia KNK còn thiếu, chưa đồng bộ, độ tin cây chưa cao, việc quản lý còn chưa thống nhất; thời gian thu thập SLHĐ còn bị kéo dài. Thu thập SLHĐ là một trong những khâu quan trọng nhất của lĩnh vực kiểm kê KNK nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Chất lượng của SLHĐ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kiểm kê KNK.

Xuất phát từ nhu cầu cần giải quyết các vấn đề tồn tại trong quy trình kiểm kê KNK quốc gia và hướng đến cụ thể hóa các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia theo các cam kết quốc tế bằng việc xây dựng các Báo cáo kiểm kê KNK quốc gia, nhóm nghiên cứu tại Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBDKH) do TS. Nguyễn Phương Nam làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm kê KNK tại Việt Nam” trong thời gian từ năm 2014-2016.

Từ rà soát hiện trạng Việt Nam, nghiên cứu đã chỉ ra được thực tế hoạt động kiểm kê KNK quốc gia ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn hạn chế do thực hiện dưới quy mô dự án với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Một số vấn đề còn tồn tại như chưa có một sắp xếp thể chế, luật pháp, các thủ tục cần thiết cho một hệ thống kiểm kê KNK quốc gia hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, quy trình thu thập số liệu hoạt động vẫn chưa được đồng bộ, chuẩn hoá và có trách nhiệm chia sẻ của các bên liên quan. Nguyên nhân là do chưa có các quyết định qui định chức năng nhiệm vụ và chế tài thực hiện việc kiểm kê KNK quốc gia nên cơ sở vật chất cũng như kinh phí thường xuyên duy trì hoạt động là chưa có. Cho đến cuối năm 2014, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống tổ chức kiểm kê KNK chính thức nào được thiết lập.

Hiện nay, do hệ thống quốc gia về kiểm kê KNK tại Việt Nam chưa được hình thành nên để thực hiện các yêu cầu nêu trên đang trở thành một thách thức. Để hoạt động kiểm kê KNK và xây dựng các Báo cáo quốc gia đáp ứng các yêu cầu quốc tế cũng như yêu cầu trong nước nhằm kiểm soát, giám sát phát thải KNK, việc sớm thiết lập hệ thống quốc gia về kiểm kê KNK theo mô hình tập trung với các đặc thù của Việt Nam là cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp Việt Nam có được một chính sách kịp thời thực hiện lộ trình giảm phát thải KNK phù hợp với các mục tiêu giảm phát thải của Quốc gia, tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH.

Trên cơ sở phân tích ưu điểm và hạn chế của các mô hình sắp xếp thể chế quản lý hoạt động kiểm kê KNK trên thế giới, một mô hình sắp xếp thể chế của Việt Nam đã được đề xuất theo mô hình quản lý tập trung để phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Mô hình đề xuất cho hệ thống kiểm kê KNK quốc gia gồm đầy đủ hợp phần chính với các đơn vị liên quan sẵn có, không có đơn vị, tổ chức mới nào cần phải thành lập. Đây sẽ là căn cứ để sớm triển khai hệ thống vào thực tế khi có một quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các thông tin kĩ thuật của hệ thống Kiểm kê quốc gia sẽ giúp đảm bảo được các tính thống nhất, tính minh bạch, tính chính xác, tính duy nhất và tính đồng bộ theo hướng dẫn của IPCC và theo yêu cầu Đo đạc-Báo cáo-Thẩm tra của quốc tế.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13577) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn