Ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trong nhân giống và xây dựng mô hình trồng cây Đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Trà Vinh
3:51 CH,12/07/2018

Đinh lăng lá nhỏ, hay còn có tên gọi là cây Gỏi cá, Nam dương lâm, thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae), có tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms. Từ lâu, Đinh lăng lá nhỏ là một dược liệu được sử dụng khá rộng rãi với tác dụng tăng lực, chống mệt mỏi, giúp tăng cường khả năng lao động và hoạt động trí não,… Một số dược tính của dịch ly trích từ cây Đinh lăng lá nhỏ cũng đã được kiểm chứng, như: khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, kháng virus, kháng khuẩn, chống bệnh lỵ, giúp lợi tiểu và các bệnh truyền nhiễm, hạ sốt, giảm đau và kháng oxy hóa, kháng viêm. Đinh lăng là cây có thể sử dụng các bộ phận khác nhau để làm dược liệu. Theo danh mục các loài dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường được Bộ Y tế ban hành (04/01/2012), cây Đinh lăng là một trong 40 loài có tiềm năng khai thác và phát triển.

Tỉnh Trà Vinh có địa hình chủ yếu là những khu đất bằng phẳng (15.000 ha đất giồng cát). Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 26 – 27oC, độ ẩm trung bình 80 - 85%/năm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, lượng mưa trung bình từ 1.400 - 1.600 mm. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trồng các cây dược liệu tại địa phương.

Nhằm ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô để cung cấp nguồn giống ban đầu và tiếp cận lĩnh vực trồng dược liệu theo hướng nông nghiệp sạch, nhằm tăng giá trị sản phẩm từ cây Đinh lăng lá nhỏ và đáp ứng nhu cầu hiện tại, Viện Sinh học nhiệt đới đã chủ trì thực hiện đề tài “Ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trong nhân giống và xây dựng mô hình trồng cây Đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa L. Harms) tại tỉnh Trà Vinh” mã số VAST.

Đề tài đã xây dựng được quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô cây Đinh lăng lá nhỏ (khử trùng mẫu với hypochlorite Natri 50% (v/v), thời gian 35 phút; môi trường tạo chồi tối ưu: 0,1 mg/L NAA, 1 mg/L kinetin và 5 mg/L BA; môi trường tái sinh cây từ chồi: MS bổ sung 0,5 mg/L IBA; cây nuôi cấy mô thích nghi ở vườn ươm trên cơ chất: 50% trấu un và 50% đất). Cây nuôi cấy mô cho tỉ lệ chết (24,603%) thấp hơn so với cây giâm cành (44,050 %) và chỉ tiêu sinh trưởng (chiều cao cây, trọng lượng rễ) cây cây mô cao hơn so cây giâm cành.

Từ đó, đề tài đã tiến hành xây dựng quy trình trồng cây Đinh lăng lá nhỏ tại Trà Vinh, với thông số kỹ thuật như sau: cây trồng ở điều kiện không có lớp phủ, bón lót phân bò 5 tấn/ha; bón thúc (100 kg/ha) sau 6 tháng trồng; khoảng cách cây 70x70 cm. Với mô hình trồng cây Đinh lăng tại tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích triển khai là 1,5 ha.

Ngoài các sản phẩm khoa học, đề tài đã công bố 02 bài báo, trong đó có một bài trên tạp chí quốc tế European Journal of Biotechnology and Genetic Engineering; 01 bài báo đăng trong các tạp chí thông tin khoa học và công nghệ tại địa phương.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN nghiệm thu đạt loại Khá ngày 24/10/2017.

Nguồn tin: Bùi Đình Thạch, Viện Sinh học nhiệt đới

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn