Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè tại 3 xã xây dựng nông thôn mới Sơn Hùng (Thanh Sơn, Phú Thọ); Phú Thịnh (Đại Từ, Thái Nguyên); Tân Lập
4:24 CH,02/07/2018

Đến hết năm 2014, cả nước có trên 130.000 ha chè, sản lượng chè khô 200 nghìn tấn, xuất khẩu 133,0 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 230 triệu USD. Năng suất chè búp tƣơi hiện đạt 81,6 tạ/ha tương đương năng suất chè thế giới. Tuy nhiên, giá chè Việt Nam thấp, chỉ bằng 60- 70% giá bình quân của thế giới. Giá bán thấp, hiệu quả sản xuất chè không cao do những nguyên nhân chủ yếu như: Chậm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ và thiết bị chế biến lạc hậu. Sản phẩm chè chưa đa dạng, nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức sản xuất còn bất hợp lý, liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến thiếu chặt chẽ. Trung du, miền núi phía Bắc là vùng lãnh thổ có diện tích lớn nhất nước ta, có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, nhất là cây trồng có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới. Đây là vùng chè lớn nhất cả nước, trung du miền núi phía Bắc hiện chiếm trên 70% diện tích chè cả nước. Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang là các tỉnh nằm ở vùng miền núi phía Bắc, đây là các địa phương có diện tích chè lớn của vùng cũng như của cả nước và có nhiều lợi thế phát triển sản xuất chè. Trong những năm gần đây, cây chè đã đóng góp vai trò quan trọng cho kinh tế xã hội của các địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn nhiều tồn tại về trồng trọt, công nghệ chế biến và tổ chức sản xuất chè của Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang đã hạn chế đến khả năng phát triển và hiệu quả sản xuất.

Nhằm góp phần cùng các địa phương ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè, nâng cao năng suất, chất lượng chè, đảm bảo sản xuất chè bền vững, hiệu quả, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp cùng ThS. Đào Bá Yên triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè tại 3 xã xây dựng nông thôn mới: Sơn Hùng (Thanh Sơn, Phú Thọ); Phú Thịnh (Đại Từ, Thái Nguyên); Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang)”.

Sau 2 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành đầy đủ các nội dung đã xây dựng trong thuyết minh và hợp đồng đã ký giữa Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Văn Phòng Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

1. Điều tra bổ sung điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, sản xuất, chế biến chè của vùng dự án, đánh giá những thuận lợi, hạn chế trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè tại các điểm.

2. Dự án đã xây dựng 03 mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất chè theo VietGAP, chế biến chè xanh chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

- Mô hình sản xuất chè theo VietGAP: Diện tích 60 ha, trong đó Tân Lập (Hà Giang) 25 ha; Sơn Hùng (Phú Thọ) 25 ha và Phú Thịnh (Thái Nguyên) 10 ha. Cây chè trong các mô hình sinh trưởng tốt, năng suất tăng, thu nhập của người dân nâng cao, các vườn chè được chứng nhận sản xuất chè VietGAP.

+ Năng suất chè tại các điểm triển khai mô hình tăng từ 16,3% - 20,5% (năm 2015) và 17,8% - 29,76% (năm 2016) so với ngoài mô hình. Trong đó, năng suất tại Tân Lập tăng cao nhất tăng 20,5% (năm 2015) và tăng 29,76% (năm 2016).

+ Sản lượng chè búp tươi toàn bộ các mô hình (60ha) năm 2015 là 520,5 tấn; năm 2016 là 603,7 tấn.

- Ứng dụng công nghệ mới trong chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè. Giá trị sản phẩm chè theo công nghệ dự án tăng so với giá chè chế biến theo qui trình hiện hành; năm 2015 tại công ty Hùng Cường (tăng 23,1%); công ty Bảo Long (tăng 20,6%); tại Phú Thịnh (tăng 20,0%); năm 2016 tại công ty Hùng Cường (tăng 26,2%); công ty Bảo Long (tăng 20,3%); tại Phú Thịnh (tăng 21,33%).

- Thu nhập của 1ha mô hình sản xuất chè VietGAP tại các điểm triển khai mô hình tăng từ 22,7% - 27,0% (năm 2015) và 24,1% - 29,99% (năm 2016) so với ngoài mô hình. Trong đó, tại Thái Nguyên thu nhập của 1ha mô hình sản xuất chè VietGAP đạt cao nhất 284.344.200 đồng/ha (năm 2016), tăng 26,9% so với ngoài mô hình.

- Lãi của 1ha mô hình sản xuất chè VietGAP đạt từ 3.255.700 đồng/ha - 151.924.000 đồng/ha (năm 2015) và 3.614.200 đồng/ha - 185.944.200 đồng/ha (năm 2016). Trong đó, lãi của 1ha mô hình sản xuất chè VietGAP tại Phú Thịnh đạt cao nhất đạt 185.944.200 đồng/ha (năm 2016) tăng 31,2% so với ngoài mô hình; thấp nhất tại Tân Lập đạt 3.255.700 đồng/ha (năm 2015).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13729/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: NASATI

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn