Nghiên cứu tính đa dạng thành phần loài thực vật bậc cao có mạch tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các giải pháp bảo tồn
4:12 CH,19/06/2018

Khu bảo tồm thiên nhiên (KBTTN) Pù Hu gồm hệ sinh thái núi đất cao xen kẽ với những hệ sinh thái núi đá vôi được đánh giá là KBT có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái. Rừng ở khu vực Pù Hu đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã, sông Luồng. Đến nay, KBTTN Pù Hu đã có một số nghiên cứu điều tra cơ bản của các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế,... nhưng nhìn chung, các công trình chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát, phát hiện thành phần loài, chưa xây dựng bộ tiêu bản cũng như cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật của KBT. Ngoài ra, KBT còn có các mối đe dọa chính làm suy giảm đa dạng sinh học như: khai thác gỗ trái phép, xây dựng cơ sở hạ tầng, nạn phá rừng, canh tác và phát triển du lịch; đặc biệt hiện nay, công trình thủy điện Trung Sơn đang được xây dựng trên sông Mã, ngay sát KBTTN sẽ gây nên những tác động tiêu cực rất lớn đến khu hệ thực vật nói riêng và sự đa dạng sinh học nói chung của khu BTTN.

Để có một nghiên cứu bổ sung đầy đủ, toàn diện về đa dạng thực vật tại KBTTN Pù Hu, từ đó đưa ra đề xuất bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, giám sát đa dạng thực vật, tìm kiếm phát hiện các loài thực vật mới, loài có hoạt tính sinh học, phát triển nguồn tài nguyên thực vật rừng tại KBTTN cũng như hai huyện vùng biên giới Việt-Lào có hiệu quả, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu tính đa dạng thành phần loài thực vật bậc cao có mạch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các giải pháp bảo tồn”, mã số VAST. ĐLT. 07/16-17. Đề tài thực hiện trong 2 năm từ 01/2016 đến tháng 12/2017, do TS. Bùi Hồng Quang làm chủ nhiệm.

Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã đạt được những kết quả sau:

1. Thống kê được trong KBTTN Pù Hu có tổng số 1386 loài và dưới loài thuộc 631 chi và 164 họ thực vật của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch là: Ngành Lá thông (Psilotophyta): 1 loài, 1 chi, 1 họ; Ngành Thông đất (Lycopodiophyta): 13 loài, 3 chi, 2 họ; Ngành Cỏ tháp bút (Equisetophyta): 2 loài, 1 chi, 1 họ; Ngành Dương xỉ (Polypodiophyta): 123 loài và dưới loài, 50 chi, 20 họ; Ngành Thông (Pinophyta): 15 loài, 8 chi, 6 họ;Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta): 1232 loài và dưới loài, 568 chi, 134 họ.

Trong số 1386 loài ghi nhận,  đã thống kê 956 loài cây có giá trị sử dụng với tổng số 1415 lượt sử dụng.

2. Về mức độ quý hiếm, trong tổng số 1386 loài thực vật bậc cao có mạch được ghi nhận tại KBTTN Pù Hu, 52 loài có tên trong IUCN (2016), 43 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 5 loài có tên trong NĐ 32/2006/NĐ-CP.

3. Đề tài đã công bố 2 loài mới và 4 loài ghi nhận mới cho hệ thực vật Việt Nam.

4. Đã thu 324 số hiệu với 1620 mẫu tiêu bản thực vật, hoàn thành bộ tiêu bản (3 tiêu bản/số hiệu), chụp 972 ảnh màu/324 số hiệu. Hiện các tiêu bản đang lưu giữ ở phòng tiêu bản Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

5. Xác định được 5 nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) ở KBTTN Pù Hu tỉnh Thanh Hóa.

6. Bước đầu đề xuất 5 nhóm giải pháp, với 9 giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH KBTTN Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa.

Từ số liệu thu được, đề tài  đã công bố 6 bài báo: 01 bài trong tạp chí thuộc danh mục SCI, 02 thuộc dnh mục SCIE, 01 bài Quốc tế khác, 01 bài tạp chí sinh học, 01 bài hội thảo quốc gia. Cụ thể:

1. Bui Hong Quang, Ritesh Kumar Choudhary, Vu Tien Chinh, Nguyen The Cuong, Do Thi Xuyen, Do Van Hai, Nong Van Duy and Tran Van Tien, 2016, Goniothalamus banii sp. nov. (Annonaceace) from Thanh Hoa, Vietnam. Nordic Journal of Botany, 34: 690-693

2. Leonid V. Averyanov, H.-J. Tillich, Guo Xiaoming, Quang H. Bui & Khang S. Nguyen, 2016, Three new species of Aspidistra (Convallariaceae) from Vietnam. Wulfenia, 23: 57-67.

3. Quang H. Bui, Linh T. M. Le, Maxim S. Nuraliev, Andrey N. Kuznetsov & Svetlana P. Kuznetsova, 2017, Three new records of Jasminum (Oleaceae) for the flora of Vietnam. Wulfenia, 24.

4. Bui Hong Quang, Vu Tien Chinh, Le Thi Mai Linh & Ritesh Kumar Choudhary, 2017, Two jasmine (Oleaceae: Jasminum L.) taxa newly recorded in Vietnam. Journal of Threatened Taxa, 9(1): 9756–9760

5. Bui Hong Quang, 2016, Osmanthus suavis King ex C. B. Clarke (Oleaceae): a newly recorded species for the flora of Vietnam. Tạp chí Sinh học, 38(3): 400-406

6. Bùi Hồng Quang, Trần Thế Bách, Đỗ Văn Hài, Dương Thị Hoàn, Nguyễn Thị Thanh Hương, Lê Ngọc Hân, Trần Đức Bình, Doãn Hoàng Sơn, Vũ Anh Thương, Sangmi Eum, Vũ Tiến Chính, 2017, Bổ sung một loài thuộc chi Ngân hoa - Silvianthus J. D. Hook. Họ Cạt man (Carlemanniceae) ở Việt Nam. Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 7: 324-327

Đề tài đã hỗ trợ đào tạo 01 tiến sỹ, do Học viện Khoa học và Công nghệ cấp bằng, số hiệu 0083; 01 thạc sỹ bảo vệ thành công trong 2017 đã được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ theo Quyết định số 282/QĐ-ĐHTN ngày 23/02/2018 của Đại học Thái Nguyên.

        Ngày 19/4/2018, đề tài được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá xếp loại xuất sắc.

Nguồn: TS. Bùi Hồng Quang - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn