Nghiên cứu đánh giá cơ sở thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi trong mối liên hệ với các yếu tố thủy địa hóa trong mô hình tôm sinh thái tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau – đề xuất giải pháp cải thiện mô hình
4:01 CH,08/06/2018

Mô hình nuôi tôm sinh thái được chứng nhận quốc tế lần đầu tiên được giới thiệu ở nước ta từ năm 1999. Năm 2001, Lâm trường 184 (Huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) và Công ty Cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau được đánh giá là phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức chứng nhận nuôi trồng thủy sản sinh thái của Đức (Naturland) theo đánh giá của Viện thị trường sinh thái. Từ đó tôm sú sinh thái tại vùng này được xuất khẩu vào hệ thống siêu thị COOP của Thụy Sĩ. Tôm sinh thái từ mô hình này hiện đã đứng vững ở thị trường Châu Âu và có khả năng xâm nhập vào các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật Bản, Úc. Trong mô hình này, người nuôi phải tuân theo một số quy định cụ thể, được hướng dẫn trồng rừng, kỹ thuật nuôi tôm và tạo ra sản phẩm sạch bán được với giá cao.

  Tại Việt Nam, mô hình nuôi tôm sinh thái vẫn chưa phổ biến, đặc biệt sự hiểu biết về điều kiện môi trường tự nhiên vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở thức ăn tự nhiên cho tôm trong mối liên hệ với các yếu tố thủy địa hóa - một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng về sinh thái học - vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Thấu hiểu vấn đề trên, năm 2014, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã giao Viện Địa lý tài nguyên Tp.HCM chủ trì đề tài: “Nghiên cứu đánh giá cơ sở thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi trong mối liên hệ với các yếu tố thủy địa hóa trong mô hình tôm sinh thái tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau – đề xuất giải pháp cải thiện mô hình” (Mã số VAST.CTG.06/14-16,  do TS. Nguyễn Thọ làm chủ nhiệm).

Đề tài đã thu được các kết quả khoa học sau:

Đánh giá được những hạn chế về yếu tố kỹ thuật và các đặc trưng của môi trường nuôi (về thuỷ địa hoá, thuỷ sinh học, cơ sở thức ăn tự nhiên) trong mô hình tôm sinh thái;

Cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển nuôi tôm trong mô hình tôm sinh thái;

Xây dựng được các giải pháp cải thiện sự đa dạng và phong phú cơ sở thức ăn tự nhiên trong mô hình tôm sinh thái. Nhóm giải pháp này đã được chính quyền địa phương chấp thuận.

Đề tài đã công bố 03 bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước (Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, Tạp chí Khoa học và công nghệ (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), Tạp chí Khoa học Đại học Sư Phạm Tp.HCM).

Có thể nói, các kết quả của đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần làm ổn định và phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Đây cũng là cơ sở khoa học quan trọng để phát triển các mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.    

Ngày 19/10/2017, tại phiên họp nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN, đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá.

Nguồn: Viện hàm lâm khoa học và công nghệ Việt Nam

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn