Những quan trắc trực tiếp đầu tiên về sự gia tăng hiệu ứng nhà kính của metan trên bề mặt Trái đất
4:10 CH,18/04/2018

Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ lần đầu tiên đã trực tiếp đo được sự gia tăng hiệu ứng nhà kính của khí metan trên bề mặt Trái đất. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã theo dõi sự gia tăng hiệu ứng nóng lên của metan, một trong những khí nhà kính quan trọng nhất trong khí quyển Trái đất trong khoảng thời gian 10 năm tại điểm quan trắc thực địa của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ ở miền bắc Oklahoma.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trực tuyến trên tạp chí Nature Geoscience. Báo cáo nêu rõ hiệu ứng nhà kính từ metan tạm ngừng khi nồng độ metan trên toàn cầu ổn định vào đầu những năm 2000 và bắt đầu tăng vào thời điểm nồng độ metan bắt đầu tăng trở lại từ năm 2007.

Dan Feldman, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Từ lâu, chúng tôi đã nghi ngờ các số liệu đo đạc từ phòng thí nghiệm, lý thuyết và các mô hình cho thấy metan là khí nhà kính quan trọng. Nghiên cứu của chúng tôi đo trực tiếp cách nồng độ khí metan gia tăng đang dẫn đến sự gia tăng hiệu ứng khí nhà kính trong khí quyển Trái đất.

Các khí bẫy nhiệt trong khí quyển được gọi là khí nhà kính, phần lớn là vì chúng hấp thụ năng lượng có bước sóng nhất định được phát xạ bởi Trái đất. Khi nồng độ của các khí nhà kính trong khí quyển thay đổi, cộng đồng khoa học cho rằng năng lượng được hấp thụ bởi các khí nhà kính, cũng thay đổi cho phù hợp, nhưng trước nghiên cứu này, các dự báo đó chưa được khẳng định bên ngoài phòng thí nghiệm.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích các số đo lâu dài có sự điều chỉnh kỹ lưỡng để tách hiệu ứng nhà kính của metan đang thay đổi. Việc phân tích được thực hiện bằng cách xem xét các số đo về bước sóng, tại đó, metan được cho là gây hiệu ứng nhà kính và các yếu tố trùng hợp khác như hơi nước.

Nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở các số đo tổng hợp về khí quyển Trái đất mà Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thu thập thường xuyên hàng thập kỷ qua tại các cơ sở Đo lường bức xạ khí quyển (ARM) và ngược lại sẽ không thể có được nếu không có các quan trắc chi tiết này.

Chương trình ARM kiểm soát và hỗ trợ ba đài quan trắc khí quyển dài hạn bao gồm Đài quan trắc Southern Great Plains ở Oklahoma, Đài quan trắc North Slope ở xa phía Bắc Alaska và Đài quan trắc Eastern North Atlantic ở quần đảo Azores. Chương trình này cũng sử dụng ba thiết bị di động ARM và một số thiết bị trên không. Các thiết bị này cho phép các nhà khoa học thực hiện nhiều nghiên cứu mục tiêu và chi tiết để nâng cao nhận thức khoa học về hệ thống Trái đất.

Các nhà nghiên cứu tin rằng loại hình quan trắc được thực hiện trực tiếp này có thể cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh và chính xác về mối quan hệ giữa nồng độ khí nhà kính trong khí quyển và hiệu ứng nóng lên trên bề mặt Trái đất.

Nguồn: Vista

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn