Giáo sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận được vinh danh tại Pháp
2:25 CH,12/06/2012

Ngày 6/6/2012, tại Viện Pháp (Institut de France) diễn ra Lễ trao tặng các giải thưởng lớn năm 2012 của 5 viện hàn lâm trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa và khảo cổ. Trong số những người được vinh danh có Giáo sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, nhận Giải thưởng Thế giới Cino del Duca. 
                                          

     Đây là lần đầu tiên một người Việt và người thứ 2 ở châu Á nhận được giải thưởng cao quý này của Viện Hàn lâm Pháp (Académie française) và cũng là lần đầu tiên giải thưởng trị giá 300 nghìn euro được trao cho một nhà khoa học viết văn, chứ không phải là một nhà văn thuần túy.
     Từ lâu, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận được biết đến là một nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới về các nghiên cứu về vũ trụ. Ông đã dùng các loại kính viễn vọng mặt đất lớn cho các nghiên cứu khoa học của mình như Kitt Peak và Hawaï, hay kính viễn vọng trong không gian như Hubble và Spitzer. Năm 2004, nhờ vào những quan sát với kính viễn vọng Hubble, ông đã khám phá ra thiên hà trẻ nhất của vũ trụ I Zwicky 18.
     Từ những kết quả nghiên cứu, những phát hiện vô cùng hấp dẫn và lý thú của thiên văn học, ông mong muốn chia sẻ với mọi người về vẻ đẹp, sự hài hòa của vũ trụ và sáng tạo của thiên nhiên, nhiều chuyện hay như lý thuyết Big Bang, lý thuyết về lỗ đen khi các ngôi sao chết đi, các thiên hà. Để giúp mọi người kể cả những người không có kiến thức sâu về lĩnh vực này có thể hiểu rõ hơn về vũ trụ, ông bắt đầu viết cuốn sách đầu tiên ‟Giai điệu bí ẩn - La Mélodie secrète, xuất bản năm 1988″ cho tới cuốn gần đây nhất là Vũ trụ và hoa sen (Le Cosmos et le lotus, xuất bản năm 2011).
      Cho tới nay, ông là tác giả của hơn 200 bài báo và hơn chục cuốn sách, trong đó có 8 cuốn về sự hình thành và phát triển của các dải thiên hà. Các cuốn sách của ông đều được viết bằng tiếng Pháp, có nội dung bao quát và tinh tế về vạn vật cùng vị trí của con người trong vũ trụ, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Giáo sư Thuận cho biết chính tiếng Pháp là ngôn ngữ giúp ông diễn đạt thấu đáo các ý tưởng của mình, đồng thời gắn kết khoa học với văn thơ và những lý luận trừu tượng, như trong tác phẩm mới nhất là ‟Vũ trụ và hoa sen″, xuất bản năm 2011.
      Những nỗ lực phổ cập khoa học của Giáo sư Thuận đã được thế giới ghi nhận với Giải thưởng Kalinga do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) năm 2009. Một số tác phẩm khác của ông cũng đã được trao giải như Vũ trụ và Hoa sen (2011), đoạt giải Louis Pauwels 2012; và Những con đường của ánh sáng (Les Voies de la lumière, 2007), giải Moron năm 2007 của Viện Hàn lâm Pháp. Trước đó vào năm 2000, cuốn sách « Cái vô hạn trong lòng bàn tay: Từ Big Bang đến giác ngộ (2000)″ cũng đoạt giải Văn học Châu Á 2000 của Hiệp hội các Nhà văn Pháp ngữ.
      Tại Lễ trao giải ở Viện Pháp (Paris), Giáo sư Yves Pouliquen – Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp - cho biết: giải thưởng này là nhằm ghi nhận những nỗ lực và đóng góp nổi bật của tác giả người Pháp hoặc nước ngoài có công trình nghiên cứu, dù thuộc lĩnh vực văn học hay khoa học, có một thông điệp của tinh thần nhân văn hiện đại.
      Ban Giám khảo quyết định trao giải quốc tế 2012 cho Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn học, nhà văn, vì đã có những đóng góp quý giá khi viết ra những tác phẩm có ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu nhưng rất lô-gích để giúp những người không có kiến thức sâu về khoa học có thể hiểu được sự kỳ diệu của vũ trụ.
      Ông sử dụng tiếng Anh để viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh, nhưng các tác phẩm về vũ trụ lại bằng tiếng Pháp. Bằng tư duy lô-gích của một nhà khoa học kết hợp với trí tưởng tượng phong phú của một nhà văn tường tận về thiên văn, Giáo sư Thuận cung cấp cho người đọc những khái niệm dễ tiếp cận và đầy cuốn hút. Từ đó, thiên văn học đã trở nên gần gũi hơn với mọi người.
      Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận Giải thưởng Thế giới Cino del Duca, Giáo sư Thuận cho biết: « Chính đam mê ngôn ngữ Pháp là một yếu tố giúp tôi có thể viết ra những cuốn sách không chỉ đơn thuần theo cấu trúc khoa học mà còn đậm nét văn chương. Tôi muốn độc giả đọc các tác phẩm của mình thích thú, say mê như một cuốn tiểu thuyết. Đây chính là phương pháp hiệu quả để đưa thiên văn học gần gũi với mọi người″.
      Ông đã có một số chuyến đi về Việt Nam và nói chuyện về vũ trụ và vật lý thiên văn tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Ông cho rằng hiện nay ngành khoa học vật lý thiên văn ở Việt Nam còn chưa phát triển, nhưng nếu các bạn trẻ có niềm đam mê theo đuổi lĩnh vực này vẫn có thể đạt được thành công.
      Được hình thành từ năm 1795, Viện Pháp bao gồm 5 viện hàn lâm khác nhau. Nổi tiếng nhất và lâu đời nhất là Viện Hàn lâm Pháp - Académie française - thành lập năm 1635, tập hợp các viện sĩ xuất thân từ nhiều ngành. Kế đến là các viện chuyên biệt hơn như: Viện Hàn lâm Văn chương - Académie des inscriptions et belles-lettres, thành lập năm 1663, hiện chuyên trách lĩnh vực ngữ văn và lịch sử; Viện Hàn lâm Khoa học - Académie des sciences, thành lập năm 1666; Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị - Académie des sciences morales et politiques, thành lập năm 1795; và Viện Hàn lâm Mỹ thuật - Académie des beaux-arts - thành lập năm 1816. Institut de France là biểu tượng của tinh hoa, trí tuệ nước Pháp hiện nay, nơi tập hợp những nhà bác học hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau.  
       Giải thưởng Cino del Duca do bà Simone Del Duca (1912-2004) thành lập năm 1969 tại Pháp để tiếp tục công việc của chồng bà, ông Cino Del Duca (1899-1967). Năm 1975, bà Del Duca đã thành lập Quỹ Simone et Cino del Duca với nhiều mục đích nhân văn khác. Kể từ năm 2005, Viện Pháp được quyền chọn người xứng đáng để nhận giải này hằng năm trong ba lĩnh vực văn học, khoa học và khảo cổ học.

Nguồn: "Báo NDĐT", 7/6/2012

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn