Một số kết quả nghiên cứu và ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) tại Viện Công nghệ thông tin
10:31 SA,06/06/2012

Hiện nay có đến trên 80% dữ liệu được thu thập liên quan đến vị trí địa lý. Việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng hệ thống thông tin này trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã được quan tâm nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Nhận rõ tầm quan trọng của chúng, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Viện Công nghệ thông tin là một trong số ít đơn vị ở Việt Nam đã đi tiên phong trong lĩnh vực này. Với mục tiêu lâu dài phát triển và triển khai ứng dụng các phần mềm GIS trong và ngoài nước, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện CNTT tập trung trước hết vào các phương pháp, mô hình, thuật toán... sử dụng trong việc phát triển các hệ thống thông tin địa lý (GIS) khác nhau. 
     
      1. Kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng
             Thông tin địa lý là thông tin về vị trí trên bề mặt Trái đất. Hệ thông tin địa lý là tổ hợp phần mềm với phần cứng, số liệu, phương pháp, người sử dụng... để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, hỗ trợ quyết định và lập kế hoạch quản lý tài nguyên môi trường. Hệ thống GIS của các hãng lớn trên thế giới như ESRI, Intergraph... rất đắt tiền và khó sử dụng. Việc sớm nghiên cứu, phát triển phần mềm GIS tại Viện CNTT nhằm đáp ứng các đặc thù riêng của Việt Nam và giảm chi phí. 
             Các mô hình, thuật toán đã được các cán bộ của Viện nghiên cứu phát triển phục vụ việc xây dựng các hệ thống GIS bao gồm: thu thập, hiệu chỉnh, lưu trữ, chỉ mục và phân tích dữ liệu, trình diễn thông tin không gian. Trong khuôn khổ các dự án quốc tế INT/88/P42, INT/92/P23 và các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện KHCNVN, trong gần 30 năm qua, PGS.TS. Đặng Văn Đức cùng các đồng nghiệp tại Viện CNTT đã tạo ra được nhiều loại hình GIS trên nền tảng hệ thống CNTT khác nhau, như các phần mềm PopMap, MapScan, db-Map... trên máy tính cá nhân và mạng LAN, phần mềm MapOnline tích hợp GIS với Internet tạo thành hệ thống WebGIS, phần mềm PANav tích hợp GIS với thiết bị di động hình thành hệ thống GIS di động (Mobile GIS), hệ thống PANavCS tích hợp GIS với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và các thiết bị di động hình thành dịch vụ dựa trên vị trí (LBS) phục vụ điều hành xe cộ...Các sản phẩm GIS do Viện CNTT tạo ra đã được ứng dụng rộng rãi trong và ngoài nước. Đặc biệt, sản phẩm PopMap đã được phổ biến ứng dụng tại hàng trăm cơ quan, tổ chức trong nước và các nước đang phát triển khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ-La tinh.
       2. Định hướng nghiên cứu tiếp theo
              Khi khối lượng khổng lồ dữ liệu không gian được thu thập lưu trữ, nhiều vấn đề mới đã được đặt ra. Các nhà khoa học Viện CNTT xác định mục tiêu trước mắt là tiếp tục nghiên cứu đề xuất các thuật toán nhằm nâng cao hiệu quả thu thập, tổ chức và khai thác dữ liệu địa lý. Đây là cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến khai phá tri thức từ tập dữ liệu không gian thu được trên cơ sở các kỹ thuật khai phá luật kết hợp, cây quyết định, phân cụm dữ liệu không gian... Ngoài ra còn có các vấn đề nghiên cứu khác như ứng dụng lý thuyết mờ trong việc xử lý, khai thác các thông tin không đầy đủ, không chắc chắn nảy sinh trong dữ liệu địa lý; tìm kiếm các đối tượng hình học trong CSDL địa lý trên cơ sở nội dung của chúng nhằm nâng cao hiệu năng phân tích không gian; phát triển các ứng dụng GIS, CSDL địa lý phục vụ công tác khai thác, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường…

Nguồn: "Viện KH&CN Việt Nam", 24/5/2012

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn