Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong xu thế hội nhập kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương”
10:48 SA,31/10/2017

Đó là chủ đề của diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Chính sách công (Đại học Tokyo, Nhật Bản) tổ chức ngày 27/10/2017. Đây là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hàm ý đối với các nước định hướng xuất khẩu như Việt Nam và Nhật Bản; các định hướng và giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm tối đa hóa lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực.

Trong những năm qua, nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể kể tới Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Hiệp định thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Những sáng kiến này đã góp phần mang lại lợi ích cho Việt Nam và Nhật Bản cũng như các nền kinh tế thành viên, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường thương mại nội khối, tham gia và kết nối chặt chẽ hơn vào các mạng lưới sản xuất khu vực... Mặc dù vậy, những thay đổi đang diễn ra có thể ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập khu vực nói chung và việc hiện thực hóa các sáng kiến hội nhập nói riêng đang là mối lo của giới nghiên cứu. Chẳng hạn, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa, lo ngại về phân bổ lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực… và đặc biệt là những bất định liên quan tới tiến trình đàm phán RCEP và vực dậy Hiệp định TPP. Các định chế trung gian như TPP, RCEP... có thể cần được điều chỉnh, song vẫn sẽ là những bước đi không thể thiếu trong tiến trình thúc đẩy hội nhập kinh tế vì sự thịnh vượng chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như: Tăng cường các bước chuẩn bị về khung chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh; hội nhập cần được lồng ghép thực chất hơn vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước; hội nhập một cách chọn lọc hơn và khi chọn được, cần thể hiện quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn... Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không chỉ dừng ở các chương trình hợp tác song phương, mà có thể tiến tới cùng đối thoại, cùng giải trình và thúc đẩy các sáng kiến hội nhập vì sự thịnh vượng chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nguồn: Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn