XD tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành khai thác, chế biến khoáng sản: Còn nhiều thách thức
3:02 CH,05/10/2017

Để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, việc xây dựng công cụ quản lý nhà nước thông qua hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn (TC, QC) kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản được xem là công cụ hữu ích.

Hệ thống TC, QC là công cụ quản lý nhà nước góp phần nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) trên thị trường. Theo ông Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Mỏ - Luyện kim (Vimluki) Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành khai thác, tuyển khoáng, luyện kim, vật liệu mới rất tích cực tham gia xây dựng, phản biện các TC, QC. Cụ thể, năm 2013, Viện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về kính tôi hóa.

Hiện tại, Vimluki đang triển khai các dự án thuộc Đề án 712 như: Khảo sát, phân tích đánh giá các điều kiện an toàn, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về an toàn trong nhà máy luyện kim màu; khảo sát, đánh giá, xây dựng yêu cầu về chất lượng và xây dựng 10 TCVN về chất lượng một số loại tinh quặng phù hợp với mục đích sử dụng… “Chúng tôi cũng tham gia góp ý cho công tác xây dựng TC, QC Việt Nam như: ISO 10258 - tinh quặng đồng sulfua, xác định hàm lượng đồng, phương pháp chuẩn độ; TCVN ISO 11790 - Tinh quặng đồng, chì, kẽm và niken; TCVN ISO 13547-1… Những hoạt động này đã góp phần đáng kể cho nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm của ngành khai khoáng” - ông Đào Duy Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các địa phương và DN chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng, ban hành các TC,QC nói chung và trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản nói riêng. Do vậy, việc hợp tác, cung cấp số liệu chưa chặt chẽ; số liệu giữa cơ quan quản lý và DN chưa có sự thống nhất, tính chính xác chưa cao, chưa phản ảnh đúng thực tế trong quá trình sản xuất, vận hành tại các DN. Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của các nhà máy luyện kim không được công bố rộng rãi, thông tin chỉ mang tính nội bộ, ít có cơ sở để tham khảo, áp dụng… Trong khi đó, các nhà máy chế biến kim loại màu ở Việt Nam thường có quy mô công suất nhỏ nên các chỉ tiêu tiêu hao sẽ lớn hơn mức tiêu hao trung bình. Do vậy, xây dựng các TC, QC chung dựa trên thực tế của các nhà máy này sẽ khó đưa ra chỉ tiêu mang tính áp dụng chung. Đồng thời, khoảng cách lớn về quy mô, công suất chế biến khoáng sản, kim loại màu giữa Việt Nam và một số nước trên thế giới nên không thể sử dụng tiêu chuẩn của nước ngoài áp dụng vào trong nước.

Cũng theo ông Đào Duy Anh, ngoài các nguyên nhân trên, hiện kinh phí nhà nước chi cho xây dựng TC, QC quá thấp (100 - 300 triệu đồng), cùng với thời gian hạn chế (1 - 2 năm), dẫn đến không đủ cả về kinh phí và thời gian thực hiện kỹ lưỡng, có chất lượng cao từng bước, từng khâu trong quy trình xây dựng TC, QC kỹ thuật. Đó là chưa kể đến một số trường hợp đơn vị được giao xây dựng TC, QC hạn chế về năng lực chuyên môn, khiến các TC, QC sau khi ban hành không có tính khả thi.

Để các TC, QC bám sát với hoạt động của DN và tương thích với các nước trong khu vực, công tác xây dựng TC, QC cần giao cho các cơ quan có đủ năng lực chuyên môn, trình độ công nghệ, thiết bị. Các đơn vị xây dựng phải tuân thủ đúng các bước trong quy trình xây dựng TC, QC; chủ động nắm bắt, bám sát thực tiễn để thu thập số liệu, tham khảo kinh nghiệm xây dựng các TC, QC của các nước có trình độ KH&CN tiên tiến...

Nguồn: Báo Công thương

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn