Mô hình xử lý ô nhiễm theo hướng sinh thái
9:44 SA,28/08/2017

Các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu và phát triển thành công mô hình ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm tích hợp theo hướng sinh thái. Mô hình có tên là VACBNXT có chi phí thấp trên cơ sở quay vòng, khép kín dòng vật chất và năng lượng cũng như tận dụng hiệu quả nhất lợi thế của hệ sinh thái sẵn có tại hộ dân trong các làng nghề.

VACBNXT không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường do chất thải phát sinh mà còn mang lại lợi nhuận từ việc tận dụng, thu hồi và tái chế chất thải. Mô hình được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia thẩm định và đánh giá xuất sắc, được áp dụng thành công ở quy mô hộ gia đình tại ba làng nghề tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được chính quyền, các hộ dân đánh giá cao và mong muốn được nhân rộng.

- Chống nứt đường bằng các hạt na-nô từ tính

Nhóm nghiên cứu tại Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ tạo ra công nghệ chống nứt nhằm ngăn ngừa sự hình thành của ổ gà bằng các hạt na-nô từ tính. Các hạt na-nô từ tính được thêm vào nhựa rải đường để tạo nên hỗn hợp làm đường, sau đó sử dụng từ trường để nối liền kẽ nứt. Nhóm nghiên cứu trộn hạt na-nô vào hỗn hợp và dùng từ trường làm nóng con đường nhằm kết dính vật liệu cũ và mới, qua đó nhựa đường sẽ chảy vào đóng các vết nứt. Tuy nhiên, để có khả năng tự xóa vết nứt và ngăn ổ gà hình thành, các con đường phải được xây dựng hoàn toàn bằng hỗn hợp chứa hạt na-nô và sẽ có phương tiện bảo dưỡng được trang bị vòng từ trường lớn kích hoạt quá trình này mỗi năm một lần. Các nhà khoa học đang tìm đối tác thương mại để mở rộng quy mô hệ thống trong thời gian tới.

- Thiết bị di chuyển theo tác động của ánh sáng

Một nhóm các nhà khoa học của Mỹ và Hà Lan vừa phát triển thành công thiết bị đầu tiên trên thế giới có thể chuyển động dưới tác động của ánh sáng. Thiết bị này có hình dạng giống chiếc kẹp giấy với hai bộ phận là một khung hình chữ nhật và một miếng nhựa polymer đặc biệt. Khi tiếp xúc với ánh sáng, các mặt của miếng nhựa có thể co vào, giãn ra làm thiết bị chuyển động và khi ánh sáng biến mất, chuyển động cũng không còn nữa. Các nhà khoa học cho biết, thiết bị có nhiều ứng dụng trong thực tiễn như gắn vào các tấm pin mặt trời đặt tại sa mạc, các tấm pin có thể tự rung lắc để loại bỏ cát trên bề mặt, thậm chí thoát khỏi trận bão cát. Ngoài ra, thiết bị mới cũng có thể được sử dụng để chế tạo các loại rô-bốt nhỏ di chuyển được trong không gian chật hẹp, dưới tác động của ánh sáng, hoặc chuyển các đồ vật đến những nơi khó tiếp cận.

Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 26/8/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn