Đừng để mất cơ hội đầu tư vì thiếu kế hoạch kinh doanh
4:32 CH,24/08/2017

Các nhóm nghiên cứu muốn thu hút vốn đầu tư thì không chỉ cần ý tưởng hay kết quả nghiên cứu mà còn phải có kế hoạch kinh doanh cụ thể, hấp dẫn.

Sáng ngày 23.8, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM phối hợp với Ban Chủ nhiệm Chương trình "Nghiên cứu, đào tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao" (gọi tắt là chương trình) tổ chức đến thăm Trung tâm Thiết kế Chế tạo Thiết bị mới (NEPTECH) và nghe các đơn vị giới thiệu những dự án đề xuất tham gia chương trình.

Chương trình “Nghiên cứu, đào tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao” hướng đến thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực. Đồng thời chương trình cũng nhằm xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong cả nước.

Tại buổi làm việc, ông Lê Phan Hoàng Chiêu, Giám đốc NEPTECH đã giới thiệu với đoàn những dự án hay từ nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có trung tâm NEPTECH.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sản xuất công nghiệp, các nhóm nghiên cứu của NEPTECH đề xuất với đoàn 2 dự án nâng cấp, phát triển máy móc, thiết bị công nghiệp.

Ứng dụng in 3D đang là một trong những xu hướng công nghệ quan trọng tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam các sản phẩm máy in 3D chủ yếu mới ở mức độ thử nghiệm, chưa dùng được trong sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, giá máy in 3D nhập khẩu rất cao, có thể lên đến 250.000 đô la. 

Bởi vậy, nhóm nghiên cứu từ NEPTECH đã xây dựng dự án “Nâng cấp máy in 3D định hướng sản xuất công nghiệp”. Dự án đặt mục tiêu nâng cấp máy in 3D từ mã nguồn mở thành sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp với mức giá hợp lý. Đại diện nhóm cho biết một số doanh nghiệp đã đưa ra yêu cầu đặt hàng với sản phẩm của nhóm.

Máy CNC được dùng rộng rãi trong công nghiệp để gia công các sản phẩm có hình dạng bất kỳ phức tạp từ hình vẽ 3D trên máy vi tính. Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, nhu cầu về máy CNC phục vụ gia công cơ khí chính xác đang tăng mạnh.

Thực tế này mở ra cơ hội tốt cho các sản phẩm trong nước và cũng là lý do ra đời dự án “Nghiên cứu thiết kế bộ điều khiển cho máy CNC” do nhóm nghiên cứu của NEPTECH phát triển.

Ngoài 2 dự án của NEPTECH thì dự án "Nghiên cứu ứng dụng vật liệu Nanohydrogel trong sản xuất các dạng sản phẩm điều trị vết bỏng trên da" do công ty Danapha Pharmaceutical JSC và ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM hợp tác nghiên cứu cũng được giới thiệu tại buổi làm việc. 

Tuy nhiên, những dự án trên đang găp nhiều vướng mắc do chưa có điều kiện thực hiện đủ các thử nghiệm để đạt điều kiện thương mại hóa sản phẩm. Bởi vậy, các nhóm tác giả rất mong nhận được sự hỗ trợ của chương trình để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.

Ý tưởng và giá trị của những dự án trên nhận được sự đánh giá tích cực của các chuyên gia trong đoàn. Tuy nhiên, đại diện đoàn cũng khẳng định: để những dự án trên phát triển thành sản phẩm thương mại còn rất nhiều việc các nhóm nghiên cứu phải làm.

Ông Đỗ Văn Lộc - Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình, cho rằng muốn đưa được sản phẩm ra thị trường thì chỉ có ý tưởng hay kết quả nghiên cứu là chưa đủ. Không có kế hoạch kinh doanh hấp dẫn thì các nhóm nghiên cứu sẽ rất khó kêu gọi được đầu tư.

Nguồn: Theo Khám phá, ngày 22/8/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn