Bạc Liêu: Xây dựng mô hình nhân giống lúa tài nguyên đục cho huyện Vĩnh Lợi
5:24 CH,18/08/2017

Vừa qua, UBND huyện Vĩnh Lợi tổ chức Hội nghị nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình nhân giống lúa tài nguyên đục cho huyện Vĩnh Lợi”; do KS Đặng Văn Xê làm chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì là Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Lợi.

Hội đồng nghiệm thu gồm: ThS Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi làm Chủ tịch hội đồng; ThS Trần Văn Na, Chi cục Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bạc Liêu - Phản biện 1, KS Dương Văn Ngô, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu - Phản biện 2 và các Ủy viên gồm có ThS Tô Thanh Hải, KS Dương Minh Luận, KS Nguyễn Văn Mỹ; CN Huỳnh Thanh Song.

Dự án “Xây dựng mô hình nhân giống lúa tài nguyên đục cho huyện Vĩnh Lợi” được thực hiện nhằm cung cấp và sử dụng hiệu quả nguồn giống tài nguyên cấp nguyên chủng cho người sản xuất góp phần nâng cao phẩm chất gạo hàng hóa; giúp người dân tham gia dự án tự nhân giống lúa tài nguyên đục góp phần tạo ra nguốn giống lúa tài nguyên tốt cho các hộ tham gia và cho cộng đồng xung quanh và nâng tỷ lệ diện tích ứng dụng nguồn giống tài nguyên có độ thuần cao hơn trong vùng chuyên canh lúa tài nguyên huyện Vĩnh Lợi.

Nội dung thực hiện: Nghiên cứu đánh giá tình hình canh tác, sản xuất, tiêu thụ và thu thập mẫu lúa Tài nguyên đục tại tỉnh Bạc Liêu; nghiên cứu nhân giống lúa Tài nguyên đục

Kết quả của dự án:

Đã chọn được 38 hộ tham gia: Xã Châu Hưng A 6 hộ tham gia với diện tích 5,5 ha; xã Châu Thới 5 hộ tham gia với diện tích 5 ha; xã Hưng Thành 12 hộ tham gia với diện tích 3 ha; xã Hưng Hội 8 hộ tham gia với diện tích 5 ha; xã Châu Hưng 7 hộ tham gia với diện tích 6,5 ha và tổ chức tập huấn và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật can tác nhân giống lúa tài nguyên đục với 38 hộ tham gia và được hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật chuẩn bị đồng, kỹ thuật khử lẫn từng giai đoạn của cây lúa, hướng dẫn sử dụng phân bón, hướng dẫn sử dụng hóa chất.

Mô hình sản xuất nhân giống chủ yếu được gieo trồng theo phương pháp cấy hai lần. Lượng giống sử dụng khoảng 1,5 kg để cấy cho 1.000 m2; cấy giâm khi mạ 35-45 ngày tuổi với khoảng cách cấy là 30x30 cm; cấy lần 2 sau khi lúa cấy lần 1 từ 40 đến 50 ngày tuổi, bằng cách nhổ cây lúa cấy lần 1 để cấy lại (tách nhỏ ra làm 4-5 phần) với khoảng cách cấy 25x30 cm.

Đã xây dựng được quy trình nhân giống lúa Tài nguyên đục phù hợp với điều kiện canh tác trong đó không sử dụng chất paclobutrazol, sử dụng chế phẩm sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu hại và tiết kiệm được phân bón. Đã tập huấn được 38 hộ nông dân và cán bộ kỹ thuật quy trình nhân giống giống và quy trình canh tác lúa Tài nguyên đục tại huyện Vĩnh Lợi và đã xây dựng được các mô hình nhân giống và mô hình canh tác lúa Tài nguyên đục tại huyện Vĩnh Lợi quy mô là 25 ha, có kết hợp hội thảo đầu bờ. Năng suất bình quân của mô hình nhân giống và mô hình canh tác tăng hơn so với đối chứng lần lượt là 7,28% và 9,05%, qua đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất hơn 12,6-13,7% so với đối chứng của nông dân.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đã bỏ phiếu đánh giá dự án với kết quả đánh giá xếp loại khá.

Nguồn: Sở KH&CN Bạc Liêu, ngày 17/8/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn