Hiện nay, khuôn dập ngói trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu được chế tạo từ thép đúc có trọng lượng khá lớn. Chi phí mua phôi làm khuôn khá cao vì thép làm khuôn dập ngói chủ yếu phải nhập khẩu. Trong khi đó, quá trình gia công phay và mài mất khá nhiều thời gian, quá trình sửa chữa và phục hồi khuôn dập bằng thép cũng tốn kém chi phí. Tất cả các yếu tố trên làm tăng đáng kể chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu về khuôn dập ngói đảm bảo chất lượng và giá thành tốt, giảm chi phí đàu vào cho doanh nghiệp, Trường Đại học Sao Đỏ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo khuôn dập bằng vật liệu composite ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất ngói”, với mục tiêu làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo được khuôn dập bằng vật liệu composite ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất ngói.
Trên cơ sở sản phẩm là viên ngói mái 22 được chế tạo từ đất (chiếm tỉ lệ 60 – 70%), nhóm nghiên cứu triển khai thiết kế khuôn dập ngói phù hợp với yêu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Giải pháp công nghệ được nhóm nghiên cứu lựa chọn là thay vật liệu chế tạo lõi khuôn SKD11 thành vật liệu composite có nền là nhựa UHMWPE, cốt hạt Crom và Oxit nhôm. Giải pháp này thực sự đã đem lại hiệu quả, giúp giảm chi phí nhân công bôi dầu lên lõi khuôn, giảm chi phí vật liệu, giảm thời gian và chi phí gia công do vật liệu SKD11 có độ cứng cao cần dụng cụ cắt đắt tiền, nâng cao năng suất của thiết bị dập ngói.
Việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo khuôn dập bằng vật liệu composite ứng dụng vào thực tế sản xuất thay thế cho vật liệu truyền thống là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Với việc chế tạo thành công khuôn dập bằng vật liệu composite, các nhà khoa học Trường ĐH Sao Đỏ không chỉ giúp các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, giảm chi phí vận hành, đồng thời giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nguồn: Báo cáo đề tài (Mã số: 17007/2019) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.